Bộ VHTT&DL yêu cầu Cục NTBD nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc cấp phép 300 ca khúc
Văn hóa - Ngày đăng : 11:35, 23/05/2017
Công văn nếu rõ: “Vừa qua, việc thực hiện, rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn gây hiểu nhầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.
Công văn của Bộ VHTT-DL cũng yêu cầu Cục NTBD nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT-DL về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Công văn của Bộ VHTT-DL gửi Cục NTBD vào sáng 23.5 về việc chấn chỉnh lại cấp phép 300 ca khúc
Trước đó, trả lời báo chí ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL khẳng định việc cập nhật, phổ biến rộng rãi 300 ca khúc cách mạng, nhạc đỏ này là kế hoạch trong lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng. Mục đích của kế hoạch này là muốn tổng hợp các ca khúc đã được hát từ rất lâu và đưa lên website khẳng định các bài hát được phép phổ biến rộng rãi, để người dân có thể dễ dàng sử dụng. Việc làm này còn để các cơ quan quản lý, các sở, ban, ngành khi cần thông tin có thể tra cứu theo một cách chính thức. Quan trọng hơn, đây sẽ là kho dữ liệu giúp cho tất cả các đơn vị tổ chức sự kiện, nghệ sĩ, nhà tổ chức biết, khai thác thông tin sử dụng khi cần thiết.
"300 ca khúc này đã được phổ biến rộng rãi tức là không cần cấp giấy phép. Sau này các đơn vị tổ chức, nghệ sĩ không cần phải xin giấy cấp phép phổ biến tác phẩm ở các cơ quan quản lý nhà nước" - ông Nguyễn Thái Bình nêu rõ.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phát ngôn viên Bộ VHTT-DL đồng thời là Chánh Văn phòng Bộ
Giải thích ca khúc Tiến quân cađã là quốc ca của Việt Nam và đi qua 2 thế kỷ nhưng đến giờ Cục NTBD mới cấp phép, dễ gây hoang mang cho công chúng, ông Bình cho hay: "Đúng là do cách gọi, phương pháp làm của Cục NTBD chưa được rõ gây nên bức xúc cho người dân. Nếu như trước khi công bố danh sách 300 ca khúc nói trên, Cục NTBD có thông cáo báo chí hoặc tổ chức cuộc họp báo với các báo để truyền thông tới khán giả, công chúng về mục đích, ý nghĩa của việc làm này thì tôi nghĩ đã không xảy ra những chuyện đáng tiếc như sự việc vừa qua. Bộ VHTT-DL đã chỉ đạo Cục NTBD nghiêm túc, rút kinh nghiệm và có cách làm chuyên nghiệp hơn".
Trước đó ngày 21.5, lãnh đạo Cục NTBD gửi thông tin cho báo chí trần tình về việc không có chuyện cấp phép phổ biến loạt 300 ca khúc. Việc làm đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ về rà soát, bổ sung ca khúc sáng tác trước năm 1975.
Hà Nhi