Có phải Napoleon là người 'khai tử' đôi giày cao gót dành cho đàn ông?

Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 16:23, 26/05/2017

Ngày nay, hiếm có người đàn ông nào mang giày cao gót. Vì sao lại thế, trong khi rõ ràng giày cao gót ban đầu được tạo ra là dành cho họ?

Liên hoan phim Cannes 2015 từng làm dậy sóng dư luận với quy định không cho phụ nữ không mang giày cao gót bước lên thảm đỏ. Vì sao lại như thế? Chưa ai nhận được câu trả lời thoả đáng, kể cả các minh tinh màn bạc luôn sẵn sàng xiêm áo mỗi mùa sự kiện.

Thế nhưng, có một sự thật đáng nói là dù Cannes có hay không đưa ra quy định, hình ảnh đẹp đẽ của phụ nữ đã (và luôn) gắn với giày cao gót. Với giày cao gót, bước chân phụ nữ trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn hẳn. Nhưng yếu tố đó chỉ là phụ. Điều quan trọng nhất là khi phụ nữ mang giày cao gót sẽ tạo nên hình ảnh gợi tình rất hấp dẫn. Nhất là trong mắt đàn ông.

Vậy, còn đàn ông thì sao? Sẽ như thế nào nếu đàn ông thời nay mang giày cao gót? Câu trả lời phần nào nằm ở lời tuyên bố không thành của đạo diễn Denis Villeneuve. Trước quy định trang phục có tính phân biệt sắc giới của ban tổ chức Cannes, ông khẳng định sẽ cùng 2 diễn viên Jossh Brolin và Benicio del Toro mang giày cao gót đến buổi công chiếu.

Tuy nhiên, đến phút cuối cùng, họ lại đành bỏ cuộc. “Tôi đã cố gắng đấy chứ!”, diễn viên Del Toro nói. “Tôi rất cố gắng tìm ra đôi giày vừa vặn, nhưng thật đáng buồn là tôi không thể bước đi với chúng”, ông nói.

Cuối cùng, đạo diễn Denis Villeneuve cùng hai nam tài tử phải nhường lại đôi cao gót cho phụ nữ, để bước lên thảm đỏ trong đôi giày tây truyền thống. Ảnh: Getty Images.

“Giày càng cao, khoảng cách đến Chúa trời càng ngắn”

Trái với suy nghĩ giày cao gót sinh ra là dành cho phụ nữ, trong lịch sử, giày cao gót được làm ra để đàn ông sử dụng. Trong cuốn sách Killer Heels, tác giả Caroline Weber cho biết khoảng 2000 năm trước, đàn ông Greco-Roman mang những đôi giày cao, to và nặng nề để tăng chiều cao mỗi khi cầu khấn, với tâm niệm “giày càng cao, khoảng cách đến Chúa trời càng ngắn”.

Vào thế kỷ thứ 16, những đôi cao gót của người Ba Tư lại tiếp tục được đưa đến thế giới Tây phương qua đường thương mại. Vào lúc đó, những chiếc chopines lấy cảm hứng từ Đế chế Ottoman, có chiều cao từ 6 cm đến 20 inch đã trở thành nét văn hóa đặc biệt dành cho nam giới ở Venice, nơi họ không chỉ cần giữ chân cao trên mặt đường ướt sũng, mà còn ngụ ý vai trò tương tự trong tầng lớp xã hội.

Và kể từ đó, số đàn ông mang giày cao gót dần xuất hiện nhiều hơn. Trong số đó phải kể đến đức vua Louis XIV. Niềm đam mê giày lụa gót đỏ của ông đã trở thành huyền thoại, trước cả khi đế chế Louboutin ra đời.

Hình ảnh các quý ông châu Âu trên đôi giày cao gót thời Trung cổ. Ảnh: Quartz.

Đừng đổ lỗi cho Napoleon

Mặc dù một số người cho rằng Napoléon Bonaparte không thích đàn ông mang giày cao gót (vì chiều cao khiêm tốn), việc cho rằng ông chính là người khai tử văn hoá giày cao gót của đàn ông cũng thật vô lý. Thậm chí ngay cả khi xét đến xu hướng giày cao gót bị chấm dứt không lâu trước khi ông qua đời.

Trên thực tế, hiện tượng trên chấm dứt bởi sự nở rộ của phong trào Khai sáng. Đó là gán những phẩm chất nữ tính cho các mặt hàng bị xem là phù phiếm, trong khi đưa những trang phục đơn giản hơn vào các giá trị lý trí, hay nói thẳng ra là nam tính.

Và từ đó, cánh đàn ông phải nói lời từ biệt với các đôi cao gót, nếu không muốn bị gán cho tính từ “đồ đàn bà”.

Từ cao bồi đến ngôi sao nhạc rock

Sau hàng trăm năm thăng trầm, giờ đây, hình ảnh nam giới với giày cao gót chỉ còn rơi rớt lại ở hình ảnh cao bồi hay ngôi sao nhạc rock. Là biểu tượng của sự hiên ngang và nam tính, các chàng trai cao bồi mang đôi cao gót đến bất cứ nơi đâu: từ lưng ngựa cho đến xe tải hay quán bar. Và các chàng thậm chí còn cất lên nhiều bài hát về việc mang chúng với những người phụ nữ của họ nữa kia.

Trong khi đó, giới ngôi sao nhạc rock lại rất biết cách hấp dẫn phụ nữ trên những đôi giày cao chót vót. Rất dễ dàng tìm lại những hình ảnh Prince, Elton John hay David Bowie diện cao gót (cả platform và stiletto) trình diễn máu lửa trên sân khấu. Ai dám nói rằng hình ảnh ấy không nam tính?

Hình ảnh David Bowie biểu diễn trên đôi platform huyền thoại. Ảnh: Catalogue Magazine.

Và ngay cả những thế hệ hậu bối, bao gồm John Lenon và Bob Dylan, cũng hiểu hơn ai hết sức hấp dẫn của những đôi Chelsea boots gót cao. Nỗi ám ảnh mang tên giày cao gót của Dylan còn được mang vào cả album năm 1971 mang tên The Low Spark of High Heeled Boys.

Dẫu vậy, những hình ảnh ấy, có chăng cũng chỉ dừng lại trong phim ảnh và trên sân khấu. Ở thời buổi hiện tại, thật khó tưởng tượng được một người đàn ông nào mang giày cao gót đi trên đường hay bước vào văn phòng. Giày cao gót rất quyền lực. Điều ấy thì ai cũng biết.

Nhưng không ai biết được. Có khi chỉ vài năm, hay vài chục năm tới thôi, cả thế giới lại rộ lên phong trào đòi quyền bình đẳng cho nam giới, để họ có thể tự tin sải bước trên đôi giày cao gót.

Hình ảnh hiếm hoi của các chàng trai trên đôi giày cao gót. Ảnh: Kees and Bianca Zen.

Nếu ngày đó có xảy ra, thì hẳn nhiều đàn ông cũng phải vật vã lắm mới bước đi được. Tương tự như những gì Benicio del Toro đã từng trải nghiệm.

Theo Tri thức TT

trithuctre