Cho đấu giá biển số xe có thể thu 5.000 tỉ đồng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:41, 29/05/2017
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của dự thảo luật là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, sau khi được bổ sung, Điều 4 Khoản 6 quy định: Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng không chỉ là biển số đẹp mà tất cả các biển số đều cần đưa vào tài sản công. Việc quan niệm thế nào là “đẹp” sẽ phụ thuộc vào nhu cầu xã hội và các quy định khác.
Theo ông Cảnh, vì là tài sản công nên biển số xe được xem là đẹp phải được số đông đồng ý. Theo đó, từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách. Đối với các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể, ví dụ 20 triệu cho một số theo yêu cầu, các số còn lại bấm ngẫu nhiên sẽ thực hiện như hiện nay sẽ không thu tiền.
Ông Cảnh nêu ví dụ, trong mỗi series số ví dụ từ 30A 000.01 đến 30A 999.99 có 99.999 số sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới…hoặc số đặc biệt đối với cá nhân họ. Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng hơn 1.600 tỉ đồng.
“Với lượng ôtô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số xe công thì trong năm 2016 có thể thu gần 5.000 tỉ đồng”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Đại biểu này cho rằng nếu điều này được thông qua thì các cơ quan liên quan cần phải sớm triển khai thực hiện để tăng ngân sách và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, ĐBQH Bùi Việt Phương lại bày tỏ những băn khoăn về điều này. Vị này cho rằng chỉ những người có xe sang mới tìm số đẹp như tứ quý, tài – lộc… còn với đa phần người dân, việc có biển số đẹp thì càng tốt, không có cũng không sao. Hơn nữa, khi người sở hữu biển số đẹp không có nhu cầu sử dụng, muốn chuyển nhượng lại sẽ khó khăn cho công tác quản lý.
Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới, luật sưKiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM lại cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Biển số xe là tấm biển làm bằngkim loại, có dạng hình chữ nhật hoặc hơi vuông, trên đó có in ấn chữ và số theo quy định và gắn vào xe cơ giới nên thực chất biển số xe chính là vật và hoàn toàn có thể được coi là tài sản theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, biển số xe chỉ do cơ quan công an cấp và mỗi biển số xe gắn liền với một chiếc xe cụ thể nên từ trước đến nay không thể giao dịch, mua bán riêng biển số xe nên càng không thể bán đấu giá. Thực tế mua bán xe (nếu đã có biển số) đã bao gồm việc chuyển nhượng biển số xe, tuy nhiên từ trước đến nay cũng hiếm khi bên bán định giá biển số xe vào giá bán.
“Cái khó hiện nay trong việc bán biển số xe, theo tôi không phải vì không thể coi biển số xe là tài sản, mà là vì chưa có khung pháp lý cụ thể đối với việc bán đấu giá biển số xe”, ông Vũ nói.
Ông Vũ bày tỏ, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 tới đây thì tài sản đấu giá được liệt kê tại Điều 4 Luật này, nhưng để xác định biển số xe là loại tài sản cụ thể nào trong số các tài sản đấu giá được liệt kêcũng không hề dễ dàng. Vàphương án khả dĩ nhất để có thể đấu giá biển số xe đẹp là nên có khung pháp lý riêng, trên cơsở phù hợp với luật Đấu giá tài sản.
Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết hoàn toàn ủng hộ việc đấu giá biển số xe và điều này thế giới đã làm từ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, khi áp dụng phải có văn bản pháp luật cụ thể.
Ông Liên cho biết, biển số xe hiện nay do từng tỉnh quản lý nên tỉnh cần tổ chức đấu thầu chứ không phải đấu thầu cả nước. Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương cần phối hợp với sở giao thông địa phương, thống kê biển số xe là bao nhiêu, loại nào.
“Công tác đấu thầu cần công khai, minh bạch trên mạng, thành lập một hội đồng giám sát để tránh lợi ích nhóm. Có như vậy mới xây dựng được một quy chế đấu giá minh bạch. Nếu cứ để một cơ quan làm việc này sẽ dễ dẫn đến lợi ích nhóm, trục lợi”, ông Liên nói.
Theo vị này, biển số đẹp hay xấu là sở thích của người dân và các doanh nghiệp. Do đó, nếu muốn có biển số đẹp thì bỏ thêm tiền đấu giá để thỏa mãn sở thích của mình. Việc này góp phần điều tiết lợi ích giữa người giàu và người nghèo.
“Trung Quốc, Thái Lan họ làm từ rất lâu. Và không chỉ đấu giá biển số đẹp, nhiều nước còn đấu giá cả biển số xe nội thành”, ông Liên cho hay.
Hoài Phong