Người Sài Gòn nói gì về kiến nghị cấm Uber hoạt động của Sở GTVT?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:41, 03/06/2017
TP.HCM muốn Uber tạm dừng hoạt động
Sở GTVTTP.HCM vừa có văn bản nghị UBND TP.HCM tạm thời chưa cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thí điểm ứng dụng hợp đồng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) trong năm 2017.
Mục đích của kiến nghị là nhằm khống chế phát sinh số lượng xe hợp đồng điện tử tham gia thí điểm, làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch phát triển taxi tại TP.HCM.
Ngoài ra, theo Sở GTVT TP.HCM, hoạt động của Uber đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của các đơn vị kinh doanh taxi và các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử như Grab, V.Car (Vinasun Car), M Car (Mai Linh Car)...
Hơn nữa, Sở cho rằng ừ năm 2014 đến nay, hoạt động của xe Uber tại TP.HCM chưa theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Sở đã nhiều lần có văn bản đề nghị Uber làm thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam để hoạt động nhưng Uber không hợp tác.
Theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM,cuối năm 2015, TP.HCM chỉ có 200-300 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng. Từ tháng 2.2016 khi bắt đầu thí điểm loại hình Grab, số lượng xe loại này tăng lên 2.437 xe. Đến tháng 8.2016 là 9.422 xe, tháng 12.2016 là hơn 15.000 xe và đến đầu tháng 4.2017 đã có hơn 22.000 xe.
Nhiều ý kiến trái chiều
Chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới về kiến nghị cấm Uber, người dân thành phố đã đưa ra khá nhiều quan điểm trái chiều.
Chị Dương Mỹ Linh (ngụ Q.2) nói rằng chị phản đối kiến nghị này của Sở GTVT. Theo chị, bất cứ ai đã sử dụng dịch vụ như của Uber đều có thể thấy sự chênh lệch với taxi truyền thống, ít nhất là về giá và cách phục vụ. Đây là điểm nổi trội của dịch vụ này và cũng tạo ra sự cạnh tranh tốt trên thị trường. Do đó, thành phốkhông nên cấm mà cần tạo khuôn khổ để phát triển.
“Từ khi có Uber, tôi không bao giờ đi các hãng taxi khác, vì nó đáp ứng được mọi tiêu chí tôi cần. Một là chi phí thấp hơn taxi truyền thống. Hai là nhân viên rất dễ thương, giao tiếp lịch sự. Thứ ba là tài xế lái xe chạy cẩn thận, tuân thủ luật tốt. Đặc biệt, khách hàng có thể biết được xe đón mình đang đi đến đâu và linh động thời gian. Hơn nữa, việc đặt xe với Uber cũng không tốn chi phí", chị Linh nói thêm.
Đồng quan điểm, anh Bùi Minh Nhật (ngụ Q.Bình Thạnh) cho rằng bây giờ đang là thời buổi công nghệ, nếu không thay đổi phương thức kinh doanh, cứ bảo thủ thì sẽ không thể tồn tại.
Ngoài ra, anh Nhật cũng nói nguyên nhân gây ùn tắc chính tại TP.HCM là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém và hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu chứ “chúng ta không thể đổ lỗi là do số lượng phương tiện", "trong một nền kinh tế thị trường, ai rẻ hơn, tốt hơn, người dùng sẽ ủng hộ”.
"Hãy tạo sự cạnh tranh công bằng để người dân được hưởng lợi, đừng vì yếu kém hơn mà đòi cấm đoán họ. Anh hãy làm tốt đi rồi hãy đi cạnh tranh với người ta”, anh T.H.Quân (ngụ Q.9) chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có một số người dân cho rằngkiến nghị trên của Sở GTVTlà đúng. Bởi lẽ, TP.HCM cần quản lý chặt các hãng taxi để tạo sự cạnh tranh công bằng và một khi hoạt động ở đâu doanh nghiệp phải tuân theo luật pháp ở nơi đó.
“Tôi ủng hộ kiến nghị trên. Uber không chịu hợp tác với Sở GTVT TP.HCM trong việc làm thủ tục cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động 3 năm nay, điều này thể hiện Uber quá coi thường pháp luật. Chừng nào Uber thực hiện đúng các nghĩa vụ về thuế và tuân thủ theo những quy định của nhà nước thì tính tiếp, còn không thì thôi.
TP.HCM xe nhiều, tài xế thì đang khóc ròng vì ế khách. Nếu cho thí điểm thì chắc chắn số lượng xe sẽ còn tăng thêm nhiều, cung vượt cầu quá lớn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, cần cân nhắc kỹ”, anh Trần Quang Minh (ngụ Q.5) đưa ra nhận định riêng.
Phan Diệu