Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ hay giữ?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:21, 05/06/2017

Thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG). Cụ thể, có ý kiến cho rằng nên bỏ thu Quỹ BOG vì việc thu quỹ không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, trong khi việc sử dụng quỹ này lại chưa công khai, minh bạch.

Quỹ đang làm "nhiễu" việc điều hành giá

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG. Cụ thể, Quỹ BOG được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống ngườidân.

Nghị định này cũng quy định, Chính phủ quyết định Quỹ BOG xăng dầu trong nước và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp BOG trong thời hạn áp dụng biện pháp BOG.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam được thực hiện năm 2009, cùng lúc với cơ chế cho doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi giá cơ sở có biến động ở biên độ nhất định. Nguồn hình thành quỹ được trích lập từ giá bán lẻ xăng dầu và để lại tại doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu. Quỹ được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và đến thời điểm hiện nay, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tính thực tế của quỹ này, và cho rằng quỹ đang đóng vai trò "vô thưởng vô phạt" khi chỉ thực sự phát huy tác dụng nếu giá xăng dầu tăng mạnh. Nhưng ngược lại,khi giá giảm sâu trong nhiều thời điểm, quỹ này cũng "tước đi" cơ hội mua xăng dầu với giá rẻ hơn của người tiêu dùng khi được trích lập mỗi lít sản phẩm 300 đồng. Trong khi đó, quỹ lại cần có nguồn dự trữ cực lớn, dễ gây tâm lý không đồng thuận bởi lạm thu lớn để tạo nguồn quỹ "khủng".

Đặc biệt, khi giá năng lượng trong hơn một năm trở lại đây luôn ở mức thấp, càng khiến việc vừa thu vừa xả quỹ BOG trong điều hành giá xăng dầu vốn đã không phù hợp, nay càng gây nhiều tranh cãi.

Theo giới chuyên gia, vướng mắc lớn nhất trong vấn đề trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu làsự thiếu minh bạch. Theo cơ chế hiện hành, bất kỳ trường hợp nào, dù kinh doanh lỗ hay lãi, doanh nghiệp đều phải trích một khoản tiền cố định từ 300-500 đồng/lít vào quỹ bình ổn.

Trong trường hợp lỗ, nguồn lực trích quỹ lấy ở đâu, từ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hay ở tiền ứng trước mua xăng dầu của người dân? Việc quỹ bình ổn để lại trong doanh nghiệp cũng gây nhiều tranh cãi vì đây được xem là "vốn chết" với hàng nghìn tỉ đồng mỗi tháng lưu tại các doanh nghiệp.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên báo Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tuân theo nguyên tắc thị trường do vẫn còn tình trạng lạm thu Quỹ BOG. Trên thực tế, việc sử dụng Quỹ BOG đang làm "nhiễu" hoạt động điều hành giá xăng dầu, làm mất tính cạnh tranh trong thị trường.

Trong khi đó, các thông tin liên quan đến quỹ vẫn chưa được minh bạch, rõ ràng. Vì vậy, cần mạnh dạn bỏ Quỹ BOG xăng dầu để đảm bảo tính cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nên bỏ Quỹ BOG để đưa giá xăng dầu theo đúng thị trường vì Việt Nam đang nhập khẩu tới 70% xăng dầu thành phầm từ nước ngoài. TS Doanh cho rằng Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào thị trường xăng dầu, khiến thị trường trong nước không theo kịp diễn biến thị trường thế giới, trong khi hiệu quả sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế.

"Quỹ bình ổn là do tiền của người dân đóng góp vàonhưng việcquản lý quỹ này lại chưa thấu đáo, rõ ràng. Theo đó, tôi cho rằng nên có đại diện người tiêu dùng hoặc hiệp hội tham gia quản lý, giám sát quỹ", ông Doanh cho hay.

Nên chuyển Quỹ sang Kho bạc Nhà nước

Dưới góc nhìn của người từng làm chính sách, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất hướng giải quyết là đổi mới cách hình thành quỹ. Cụ thể là cả doanh nghiệp cùng với người tiêu dùng sẽ tham gia đóng góp quỹ, chứ không nên chỉ có người tiêu dùng đóng.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng quỹ bình ổn nên chuyển sang Kho bạc Nhà nước, dưới sự điều tiết của Bộ Tài chính, không nên để ở doanh nghiệp để tránh tình trạng thiếu minh bạch tại quỹ.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí mới đây tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ quan điểm riêng của bản thân là không muốn dùng Quỹ bình ổn giáxăng dầu, nhưng về phần Bộ Công Thương thì vẫn đang trong quá trình xem xét. Thứ trưởng Hải cho rằng tại thời điểm hiện nay, Quỹ BOG là phù hợp vì theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83.

"Quỹ bình ổn giáxăng dầu không phải tiền của Nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào, đây chính là phần trích trong Quỹ bình ổn này để khi có sự tăng giá đột ngột ở nước ngoài thìchúng ta tránh được những cú sốc cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh", Thứ trưởng cho hay.

Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Tài chính, tính đến hết quý 1/2017, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 2.864,527 tỉ đồng. Trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có số dư quỹ cao nhất, đạt hơn 2.000 tỉ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM có số dư quỹ là 231,5 tỉ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam là 133,2 tỉ đồng. Trong khi đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm ngày 1.1.2017 là 2.389,891 tỉ đồng.

Tuyết Nhung

tuyetnhung