NS Phó Đức Phương 'Không có chuyện dừng thu tiền tác quyền đối với quán cà phê'

Văn hóa - Ngày đăng : 18:26, 05/06/2017

Sau khi việc thu tiền bản quyền âm nhạc với ti vi trong phòng khách sạn bị tạm dừng, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại bị phản ứng khi thu tiền với quán cà phê. Một số chủ quán cà phê yêu cầu đơn vị này phải trưng giấy ủy quyền của tác giả…

Thu tiền tác quyền ở quán cà phê: Trưng giấy ủy quyền là điều không thể?

Sau khi việc thu tiền bản quyền âm nhạc với ti vi trong phòng khách sạn bị tạm dừng, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại bị phản ứng khi thu tiền với quán cà phê.

Trước ý kiến trái chiều từ dư luận, chiều ngày 5.6, VCPMC đã có buổi trao đổi thẳng thắn với báo chí xoay quanh sự việc trên.

Trước ý kiến cho rằng phía VCPMC phải có giấy ủy quyền của tác giả mới được thu tiền tác quyền âm nhạc ở quán cà phê? Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC trả lời: “Chúng tôi đại diện cho gần 4 ngàn tác giả trong nước, ký hợp đồng song phương với hơn 60 tổ chức nước ngoài… (khoảng 4 triệu tác giả thế giới). Nếu mỗi lần đi thương lượng, ai cũng đòi cho xem hợp đồng thì điều đó là không thể… Nếu đơn vị quán cà phê nào có ý kiến thì chúng tôi sẵn sàng để họ tiếp cận, có thể mời đến VCPMC để chúng tôi đưa cho họ xem giấy ủy quyền”.

Về nghi vấn cho rằng, có thể xác định được chính xác các quán cà phê, nhà hàng sử dụng tác phẩm của các tác giả nào hay không? Nhạc sĩ Phó Đức Phương giải thích: “Khi làm việc với các đơn vị kinh doanh, chúng tôi yêu cầu họ cung cấp danh sách các ca khúc mà họ sử dụng, chúng tôi sẽ xác định tác phẩm nào trong danh sách của họ thuộc quyền quản lý của chúng tôi và tác phẩm nào không thuộc quyền quản lý của chúng tôi. Danh sách tác phẩm của các đơn vị kinh doanh có thể được cập nhật hàng ngày bởi các đơn vị sử dụng”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, VCPMC có bản quy định về mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ 1.10.2015. Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống (hát với nhau) sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm…

“Chúng tôi đã tính toán rất cẩn thận, chia ra các mức để thu tiền tác quyền cho hợp lý đối với các quán cà phê ở trung tâm thành phố, tỉnh thành, hay ngoại ô, nông thôn, miền núi… Trong công văn gửi các đơn vị kinh doanh, chúng tôi đều gửi kèm các văn bản giải thích đầy đủ. Đồng thời, đề nghị các chủ đơn vị kinh doanh liên hệ lại với trung tâm nếu có điều gì thắc mắc”, ông Phó Đức Phương nói.

“Không có chuyện dừng thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê”

Tại buổi trao đổi, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định: “Căn cứ công văn số 1714/BTC-CST ngày 31.1.2007 của Bộ Tài chính trả lời về việc tiền nhuận bút thù lao (tiền tác quyền) không phải là phí và lệ phí nên Bộ Tài chính không quy định mức giá mà chủ yếu là thỏa thuận giữa đơn vị sử dụng và các chủ sở hữu quyền tác giả. Vì vậy, cần phải xác định rõ tiền nhuận bút, thù lao, hay còn gọi là tiền tác quyền không phải phí và lệ phí như thông tin báo chí đã đăng tải gây hiểu nhầm cho dư luận về việc “thu phí””.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, trên thực tế, việc thu tiền tác quyền không hề đơn giản...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, trên thực tế, việc thu tiền tác quyền không hề đơn giản...

Về ý kiến cho rằng nên tạm dừng thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê nếu không chứng minh được hợp đồng ủy quyền của tác giả, ông Phó Đức Phương khẳng định: “Không có chuyện dừng lại, người đề nghị tạm dừng là không hiểu luật pháp!”

"Chúng tôi thực hiện trên tinh thần cầu thị, vô cùng cẩn trọng, nhưng trước những ý kiến trái chiều về việc thu tiền tác quyền đối với các phòng khách sạn sử dụng tivi, chúng tôi tạm dừng lại để tham khảo các nước trên thế giới, xây dựng cơ sở nội dung để giải thích cho kỹ lưỡng, còn các phần còn lại vẫn làm như thường.

Theo đó, quán cà phê, quán bar, karaoke… chỗ nào có sử dụng âm nhạc để kinh doanh là thu vì ở đây là những chỗ đã rất rõ ràng, việc thu tác quyền là hiển nhiên. Theo đó, việc thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê không có chuyện dừng lại”, ông Phương nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, trên thực tế, việc thu tiền tác quyền không hề đơn giản. Một số chủ đơn vị kinh doanh chưa hiểu luật, thậm chí không cần biết trả tiền trên cơ sở pháp lý nào, cứ thấy nhân viên trung tâm đến thu tác quyền là thể hiện sự bức xúc, nói những lời lẽ không hay.

Vị nhạc sĩ cho biết, VCPMC bắt đầu thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê từ năm 2002. Hiện tại, Trung tâm thu được hàng nghìn quán ở Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh… năm 2016: số tiền tác quyền thu được ở các quán cà phê là 2,865 tỷ/ 607 đơn vị kinh doanh, 5 tháng năm 2017 thu được 1,070 tỷ đồng tiền tác quyền/123 đơn vị kinh doanh.

Nguyễn Hằng/Dân Trí

bai cao