7-Eleven vào Việt Nam với mô hình kinh doanh nào?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:02, 07/06/2017
Vào sáng 7.6, 7-Eleven đã công bố gia nhập thị trường Việt Nam vào ngày 15.6 tới tại tòa nhà Saigon Trade Center, quận 1, TP.HCM. Việt Nam sẽ trở thành thị trường thứ 18 trên thế giới của thương hiệu này.
"Mỗi nơi một vẻ"
Theo 7-Eleven, mô hình của các cửa hàng mang thương hiệu này thường bán những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với hệ thống hạ tầng bao gồm khu vực ăn uống, wifi miễn phí, dịch vụ thanh toán thẻ và rút tiền ATM. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, thương hiệu này sẽ mang những phong cách và đặc trưng riêng.
Chẳng hạn tại Indonesia, cửa hàng của 7-Eleven giống một quán cafe và quen thuộc với 65% khách hàng dưới độ tuổi 30. Thương hiệu này cung cấp wifi miễn phí, bàn ghế xếp cả trong và ngoài, và có cả nhạc sống.
Trong khi đó, tại Đài Loan, thương hiệu này thậm chí phổ biến hơn Starbucks tại Texas. Ở Đài Bắc, hơn 4.400 địa điểm đặt trong một thành phố 23 triệu dân với nhiều khu vực có trên 2 cửa hàng.
Tại Nhật Bản, 7-Eleven nổi tiếng với sản phẩm cơm trưa hộp. Ước tính tại đây, thương hiệu này bán hơn 200 triệu phần cơm trưa hộp mỗi năm.
Tại Mỹ, 7-Eleven hơi giống các cửa hàng tạp hóa và siêu thị mini, trừ việc họ bán một loại đồ uống gọi là Slurpee, biểu tượng của chuỗi cửa hàng này. Ở khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã xuất hiện tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia và sắp tới là Việt Nam
Một nguồn tin từ thương hiệu này cho biết tại Việt Nam, 7-Eleven sẽ thiết kế một danh mục riêng tới hơn 100 món ăn mỗi ngày, trong đó sẽ có 20 món ăn thay đổi mỗi ngày để phù hợp với bữa trưa của nhân viên công sở.
Trước ngày chuẩn bị khai trương tại Việt Nam, tên fanpage của thương hiệu này cũng liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến mảng ẩm thực, các món ăn Việt Nam như: bánh mì, bánh cuốn, xôi, gỏi cuốn... Công ty cũng cho biết đối tượng chính được nhắm đến là giới trẻ và tầng lớp trưng lưu.
Người Việt ưa chuộng mô hình nào?
Trước thông tin 7-Eleven sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam vào tuần tới, trên các trang mạng, diễn đàn... mọi người vô cùng hưởng ứng và tò mò không biết thương hiệu này sẽ gia nhập thị trường Việt Nam với mô hình gì?
Bạn Nguyễn Vân Anh (sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) bày tỏ mong muốn 7-Eleven sẽ bán những món ăn truyền thống của Việt Nam nhưng theo phong cách fastfood (đồ ăn nhanh) và bán thêm trà sữa, cafe... và các loại nước uống tiện dụng như thương hiệu này đang bán tại Thái Lan.
"Bên cạnh đó, mình mong rằng 7-Eleven sẽ bán nhiều loại đồ ăn đóng gói như burger kèm 1 quầy thêm rau cà chua giống như bên Thái Lan. Hiện nay, các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam haycó mô hình giống nhau, đồ ăn không đa dạng. Nhiều khi vô Family hay Circle K mình chẳng biết ăn gì vì cái nào cũng giống nhau... quanh đi lại cơm nắm và Sandwich. Mình thấy danh mục đồ ăn của 7-Eleven bên Thái Lan và Đài Loan rất đa dạng, nhiều món lạ... tạo cảm giác thuận tiện cho người tiêu dùng", bạn VânAnh chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Nhật Duy (một nhân viên văn phòng) lại cho rằng ở Việt Nam, thương hiệu này nên có thêm quầy bia và bán nhiều loại đồ ăn đặc biệt thích hợp với uống bia. Ngoài ra, 7-Eleven cũng cho thanh toán bằng thẻ tín dụng và có dịch vụ giao hàng...
Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng 7-Eleven nên xuất hiện tại Việt Nam với một phong cách và đặc trưng mới lạ so với các cửa hàng tiện lợi khác như Circle K, B's Mart, Family, Ministop... Trong đó, không gian, dịch vụ và danh mục thức ăn đa dạng sẽ là 3 yếu tố quan trọng nhất.
7-Eleven đã trở thành một cái tên thân quen tại nhiều quốc gia trên thế giới và được đánh giá là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới. Khởi nguồn là một doanh nghiệp sản xuất nước đá, đến nay chuỗi 7-Eleven đã có mặt tại 17 quốc gia trên thế giới với 61.500 cửa hàng.
Một thống kê của tờ Huffington Post từng chỉ ra cứ khoảng hai tiếng, ở một nơi nào đó trên thế giớilại có một cửa hàng 7-Eleven mới mọc lên. 7-Eleven Việt Nam sẽ là dự án kinh doanh hợp tác giữa công ty con của Seven & I Holdings (Nhật Bản), có văn phòng tại Mỹ cùng Công ty IFB Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng Pizza Hut).
Tuyết Nhung