''Độc chiêu' in tờ rơi dán cột điện truy nã con nợ

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:16, 08/06/2017

Anh in 100 tờ rơi dán khắp các cột điện ở trung tâm thành phố Cần Thơ “truy nã” 2 con nợ để đòi tổng số tiền là 37 triệu đồng.

“Độc chiêu" truy nãcon nợ

Những ngày đầu tháng 6.2017, nhiều người dân ở TP.Cần Thơ bất ngờ khi nhìn thấy trên cột điện ở những đoạn đường trung tâm có dán nhiều tờ rơi với nội dung truy tìm con nợ.

Cụ thể, những tờ rơi này có nội dung: “Phan T.N. chuyên lừa gạt, nó mượn tiền tôi không trả. Nó chạy chiếc SH màu nho biển số 65B.139… có ai gặp nó ở đâu cho tôi hay, tôi hậu tạ…”. Và “T. luật sư… chuyên về lừa đảo, có ai gặp nó ở đâu gọi cho tôi, tôi hậu tạ…”.

Ngoài những nội dung trên, trên mỗi tờ rơi dán cột điện còn in hình 2 người đàn ông được cho là những người quỵt nợ. Những tờ rơi này đều ghi lại số điện thoại của chủ nợ, từ số điện thoại này PV đã liên hệ để nắm thêm thông tin vềkiểuđòi nợcó một không hai này.

Anh Nguyễn Văn Thiện trình bày, anh vốn làm nghề thợ xây. Hơn 2 năm trước, anh có nhận xây nhà ở cho ông Nguyễn T.T. ở trung tâm TP.Cần Thơ. “Tôi được biết, ông T. là 1 luật sư. Sau khi xây nhà xong cho ông ấy, chúng tôi có qua lại với nhau.

Năm 2016, ông T. hỏi mượn tiền của tôi, tôi không có nhưng có người quen chuyên cho vay tiền nên đứng ra mượn giùm cho ông T. Tổng cộng ông T. mượn 2 lần, một lần 20 triệu và một lần 10 triệu, hẹn 2 tháng sau sẽ trả đủ”, anh Thiện cho biết.

Tháng đầu tiên ông T. đem tiền lãi trả cho anh Thiện đầy đủ, còn gửi cho anh tiền cà phê, nên anh Thiện rất yên tâm và tin tưởng. Đến hẹn 2 tháng trả tiền, ông T. không trả, nhưng vẫn đóng tiền lãi đầy đủ nên đôi bên không phát sinh chuyện gì. Trong thời gian này, ông T. còn nhờ anh Thiện đứng ra mượn tiền giùm cho người quen của mình là Phan T.N. (thường trú TX.Long Mỹ, Hậu Giang).

Tờ thông báo “truy nã” con nợ

Anh Thiện kể: “Qua ông T. tôi cho N. mượn 6 triệu đồng, lúc này N. nói chỉ trong mượn trong 2 ngày sẽ trả nên không có lãi gì. Đúng 2 ngày sau thì N. trả. Nhưng đến tối 23.12.2016, N. điện cho tôi nói đang kẹt quá, cần 7 triệu để tiếp khách và năn nỉ tôi cho mượn hoặc mượn chỗ nào giúp.

Ông T. cũng điện cho tôi, nhờ tôi giúp đỡ N. Tôi chạy qua bà chị quen biết mượn tiền rồi đem lại tận nơi cho N.,N.hứa hôm sau sẽ gửi trả.

Qua hôm sau anh Thiện chờ mãi không thấy N. gọi, không thể chờ đợi hơn, anh đành chủ động gọi cho N. để đòi tiền. “Anh ta nói bây giờ không có khả năng trả, khi nào có thì mới trả, vậy thôi. Tôi không chịu, kêu anh ta phải trả ngay như lời hứa thì anh ta cúp máy luôn.

Sau đó, N. có đưa cho anh tôi 1 chiếc điện thoại iphone 5 để cấn nợ. Nhưng khi tôi đem ra tiệm để kiểm tra, nhân viên yêu cầu cung cấp mật khẩu, vân tay. Tôi gọi N. đến tiệm điện thoại nhưng N. không đến. Rồi mấy hôm sau anh ta chặn luôn số của tôi. Chiếc điện thoại này hiện bà chị cho vay tiền vẫn giữ nhưng không sử dụng được”, chủ nợ cay cú kể.

Cũng từ đó,ông T.cũng bặt tăm. Ông T. cũng chặn số di động của anh Thiện rồi đi đâu không rõ. Anh Thiện tìm tới nhà thì được biết căn nhà của ông T. đã bán từ khi nào. Tìm gặp mẹ và chị của ông T., anh Thiện được những người này nói là đã từ mặt T.

Nhiều tháng trôi qua, anh Thiện phải móc tiền túi để trả lãi số nợ 30 triệu của ông T., chỉ vì lỡ đứng ra lãnh nợ ăn huê hồng. Quá túng quẫn và cùng đường, anh Thiện nảy ra ý định in tờ rơi dán cột điện để “truy nã” 2 con nợ của mình. Ròng rã cả ngày trời, ông chủ nợ khốn khổ này đã đi khắp TP.Cần Thơ để dán gần 100 tờrơi “truy nã” đòi nợ.

“Đại gia” đi vay tiền kẻ khó?

Anh Thiện quê ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, anh và gia đình đến TP.Cần Thơ sinh sống đã lâu. Vốn có nghề thợ hồ, anh cần mẫn làm việc, cố gắng lắm cũng chỉ lo cho vợ và 3 đứa con trai đủ miếng ăn.

Những ngày mưa vừa qua, công việc nhiều lúc trì trệ, tiền bạc không có khiến anh càng túng bấn, càng nghĩ anh càng tức giận những con nợ của mình.

Anh kể: “Tính tôi hay giúp người, với lại ông T. là luật sư, chả lẽ lại đi lừa tôi mấy chục triệu? Lúc nhờ tôi mượn tiền, ông ấy bảo đang làm ăn mấy kèo lớn, cần tiền xoay sở lúc đầu nên tôi mới giúp. Giờ số nợ của ông T. và ông N., tôi phải gánh hết.

Gia đình tôi khó khăn lắm, tôi và vợ con hiện đang ở trọ. Vợ tôi vì mắc chăm mấy đứa con nên cũng không đi làm được gì. 2 thằng con lớn của tôi đứa 12 tuổi, đứa 8 tuổi nhưng đến nay vẫn chưa đi học”.

1 tờ rơi được dán trên cột điện

Sau khi anh Thiện dán tờ rơi được mấy ngày, có 1 người đàn ông “cùng cảnh ngộ” gọi đến để “chia sẻ” thông tin về N. “Ông này gọi điện cho tôi rồi nói là N. cũng nợ ông ta cả trăm triệu và giờ đi đâu không biết. Ông ta nói khi nào gặp được N. sẽ cho tôi hay”, anh Thiện nói. Anh Thiện được biết, ông N. khoảng ngoài 40 tuổi, lúc trước từng có thời gian làm việc ở 1 phòng ban thuộc quận Bình Thủy.

“Hiện tại, tôi chỉ biết ông N. sống lông bông, không ở cố định chỗ nào và chưa lập gia đình. Ông N. chạy xe SH màu nho, xe đó là xe của ổng. Tôi nghĩ ông ta không phải là người nghèo khó gì, vậy mà có 7 triệu mà cũng nỡ quỵt của tôi”, anh Thiện bức xúc nói.

“Tôi mà lấy được tiền của mấy ông này được, tôi sẽ cạo đầu. Chứ giờ tôi khổ quá mà còn bị lừa gạt. Tôi dán hình mấy người đó lên cột điện để cho những người khác biết mà tránh T. và N. Chứ giờ ai mà bắt lỗi tôi, tôi cũng chịu. Bây giờ về nhà, nhìn vợ con mình khổ sở trong từng bữa ăn, tôi hận mấy người đó vô cùng”, chủ nợ khổ sở nói.

Theo luật sư Ngô Việt Bắc (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc dán tờ rơi truy tìm con nợ được xem như một cách đòi nợ. Cách này không mới, cũng như đã có trường hợp chủ nợ căng băng rôn đi đòi nợ khắp nơi. Trường hợp của anh Thiện có thể hiểu như cảm xúc bị dồn nén đến bước đường cùng dẫn đến hành động như trên.

Tuy nhiên nếu nhìn dưới góc độ pháp lý, việc anh Thiện dùng hình ảnh của ông T. và ông N. để in trên tờ rơi và dán vào cột điện là không đúng và có thể bị xử lý.

Hy vọng, việc dán thông báo “truy nã” con nợ của anh Thiện sẽ có hiệu quả. “Đối với người khác đó có thể là số tiền không là bao, nhưng đối với hoàn cảnh của tôi thì đó là cả gia tài”, anh Thiện ngậm ngùi nói.

Thanh Vũ

Nguyên Việt