Khủng hoảng vùng Vịnh, Qatar xuống nước nhanh chóng
Quốc tế - Ngày đăng : 06:16, 08/06/2017
Ngày 6.6,khi các biện pháp cấm cửa hàng không vào Qatar bắt đầu có hiệu lực, chính quyền Doha đã có dấu hiệu xuống nước khi kêu gọi “đối thoại mở và chân thành” với các nước đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao lẫn kinh tế với mình.
Trên đài truyền hình Al Jazeera, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdul Rahman khẳng định không hề có “leo thang căng thẳng” từ phía Qatar - một đồng minh lâu đời của Mỹ và cả… Ả Rập Saudi.
Nhờ Kuwait làm trung gian hòa giải
Phát biểu trên sóng truyền hình Al Jazeera, Ngoại trưởng Abdul Rahman cũng cho biết Tiểu vương Qatar Tamim Bin Hamad Al-Thani đã điện đàm với người đồng cấp Kuwait và đưa ra quyết định hoãn bài phát biểu trước dân chúng Qatar về tình hình hiện tại theo yêu cầu, đồng thời nhất trí để Kuwait làm trung gian hòa giải những bất đồng hiện nay.
Theo đó, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaberal-Sabah sẽ liên hệ với các quốc gia khác và tìm ra biện pháp kiểm soát tình hình hiện tại. Quốc vương Kuwait cũng từng giữ trọng trách hòa giải các quốc gia vùng Vịnh trong thời kỳ rạn nứt hồi năm 2014.
Theo Reuters, phái viên của Quốc vương Kuwait đã lên đường sang Ả Rập Saudi ngay trong ngày hôm nay để thương thảo với quốc gia đang dẫn đầu cuộc cô lập Qatar hiện nay. Cũng cần biết là trước khi tiến hành "trừng phạt" Qatar, phía Saudi cũng đã cử người sang Kuwait thông báo tình hình.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Qatar cũng có ý nhắc về mối quan hệ sâu đậm với Mỹ và mong muốn Mỹ có tiếng nói.
“Mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ mang tính chiến lược. Có những chuyện chúng ta không đồng ý với nhau nhưng những lĩnh vực chúng ta đang hợp tác nhiều hơn những lĩnh vực chúng ta bất đồng”, vị lãnh đạo ngoại giao của vương quốc Qatar nhấn mạnh.
Ông Abdul Rahman nhấn mạnh đến mối quan hệ với Mỹ bởi hiểu vị trí của Qatar trong mối quan hệ chiến lược đang có với Mỹ.
Qatar hiện là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, với khoảng 10.000 quân. Căn cứ này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn dắt chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq hiện nay.
Là quốc gia nhỏ bé, nhưng Qatar nằm ở vị trí chiến lược ở vùng Vịnh và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị khu vực.
Mỹ cũng sợ mất mát
“Giọt nước tràn ly” trong cuộc khủng hoảng cấp kỳ bắt đầu từ ngày 5.6 cũng có phần xuất phát từ phát ngôn của Tiểu vương Qatar chỉ trích chính sách đối với Iran của tổng thống Donald Trump.
Quan điểm của chính quyền Qatar được cho là ủng hộ Iran, do hai nước có sự hợp tác kinh tế sâu rộng và hai bên cùng chia sẻ trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới.
Nhưng trước vị thế “nhỏ mà có võ” của Qatar, Washington cũng không quá gắt gỏng. Hôm nay Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên tiếng rất ngoại giao: “Chắc chắn là chúng tôi (Mỹ) khyến khích các bên ngồi lại với nhau và nói chuyện với nhau về những khác biệt. Nếu chúng tôi có vai trò gì đó để giúp các bên giải quyết các khác biệt thì chúng tôi nghĩ rằng việc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) phải đoàn kết là quan trọng nhất”.
Mỹ và Qatar có quan hệ kinh tế khá tốt và hãng hàng không Qatar Airways đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của Mỹ với trị giá lên tới 18,6 tỉ USD hồi tháng 10.2016. Qatar cũng là một thị trường vũ khí đáng kể của Mỹ tại Trung Đông.
Hơn nữa, Washington đang muốn duy trì mối quan hệ đồng minh với tất cả các nước Ả rập vùng Vịnh, nhất là sau khi nhen nhóm thiết lập được một liên minh các nước khu vực tham gia chống khủng bố cùng với Mỹ sau chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Donald Trump tới Trung Đông.
Qatar thiệp bài nhanh chóng
Thực ra ngay khi nhóm các nước Ả rập vùng Vịnh đồng loạt thực thi biện pháp cắt đứt quan hệ theo kiểu phong tỏa từ ngày 5.6, bước đầu Qatar đã nói cứng, cho rằng các biện pháp đó là bất công, thiếu chứng cứ. Thậm chí chính quyền trấn an dân chúng rằng các ngõ hàng không và hàng hải vẫn ổn cho việc nhập hàng hóa.
Nhưng rõ ràng hiệu ứng là tức thì khi người dân Qatar đổ xô vơ vét nhu yếu phẩm trong các cửa hàng, siêu thị để tích trữ vì sợ hàng hóa không nhập vào được. Rồi thì khi Sàn chứng khoán Doha giảm đến 8% trong phiên mở cửa ngày 5.6 và kết thúc với mức giảm 7,58% vào cuối ngày, chính quyền Doha đủ hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Các biện pháp trừng phạt vẫn còn tiếp tục với việc Ai Cập bắt đầu ngưng bay sang Doha từ sáng hôm 6.6. Rồi thì công dân Qatar (gồm cả diện đi du lịch lẫn cư trú lâu dài) ở ba nước tham gia trừng phạt (Ả Rập Saudi, Barhain, UAE) bị buộc rời đi trong vòng 2 tuần lễ và ba nước cũng cấm công dân mình sang Qatar. Đây là biện pháp thậm chí vi phạm cả thỏa thuận đi lại tự do của khối nước GCC.
Barhain và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) còn lệnh cho các nhà ngoại giao của mình rời Doha trong 48 giờ.
Đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố: năm 2014, ba nước (Ả Rập Saudi, Barhain, UAE) từng triệu hồi đại sứ từ Qatar về để phản đối việc Qatar ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Qatar tạm thời chưa có động thái đáp trả những biện pháp cắt đứt quan hệ của các quốc gia trong khu vực.
Ngoại trưởng Abdul Rahman cho rằng những biện pháp trừng phạt nhắm vào Qatar sẽ gây ảnh hưởng "chưa từng có" đối với người dân nước này, cũng như quan hệ hòa hảo giữa các quốc gia thuộc thế giới Ả rập ở Vùng vịnh.
Tuy nhiên, Doha sẽ không đáp trả, đồng thời bày tỏ tin tưởng những bất đồng này sẽ được giải quyết thông qua đối thoại.
Dĩ nhiên đó là mong muốn của Qatar cũng như một số cường quốc có lợi ích trong khu vực như Mỹ, Nga.
Vấn đề giờ đây là các nước đã tham gia trừng phạt sẽ ra yêu sách gì đây với Qatar?
Hoàng Duy Long - Tuổi Trẻ