Bộ KH-ĐT sẽ thu xếp vốn vay ưu đãi cho nhà ở xã hội
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:39, 09/06/2017
Bộ Xây dựng mới đây đã có công văn trả lời một số kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi tới Bộvà Thủ tướng tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đánh giá cao các kiến nghị của HoREA.
Thu xếp nguồn vay cho nhà ở xã hội
Cụ thể, về kiến nghị bố trí nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nói rằng theo quy định của pháp luật về nhà ở, trách nhiệm bố trí nguồn vốn từ ngân sách để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
"Thời gian qua, ngay sau khi Nghị định số 100 của Chính phủ được ban hành, Bộ Xây dựng, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã lập kế hoạch và có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng và gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư để sớm bố trí nguồn vốn cho vay đối với nhà ở xã hội. Thủ tướng cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư sớm xem xét, báo cáo để thu xếp nguồn vốn cho vay", Bộ Xây dựng cho biết.
Ngày 25.1.2017, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo, giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm báo cáo Chính phủ bổ sung chương trình nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 30 ngày 7.3.2017, giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xác định mức bố trí chi để chấp nguồn vốn, cấp bù chênh lệch, phí quản lý cho Ngân hàng chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng.
Ngày 26.4.2017 tại văn bản số 102, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung 2.000 tỉ, trong đó dành một phần bổ sung cho chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng trong trường hợp còn thiếu, số còn lại bổ sung cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.
Cũng liên quan tới nhà ở xã hội, tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng với lãnh đạo UBND TP.HCM vừa diễn ra cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho biết đối với nhà ở xã hội vẫn còn một nghịch lý. Đó là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần ký quyết định áp dụng lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này.
Vì vậy, hiện tại, chưa có người nào được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ riêng có Ngân hàng Chính sách xã hội vừa mới nhận được một nguồn vốn ngân sách 2.000 tỉ đồng. Trong đó, có quy định dành một phần cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng việc này chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và làm cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thêm khó khăn.
Không giao chủ đầu tư chọn cơ quan thẩm định
Trong khi đó, về kiến nghị giao cho Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) để giảm thiểu lợi ích nhóm, Bộ Xây dựng cho rằng việc chủ đầu tư có thể chọn cơ quan quản lý về xây dựng thẩm định sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không chủ động trong công tác thẩm định, tạo ra cơ chế xin - cho.
Trong một số trường hợp cơ quan thẩm định tại các tỉnh miền núi không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng trong công tác thẩm định đối với các công trình có quy mô lớn, phức tạp.
“Việc để cho các tổ chức tư vấn có giấy phép hành nghề thực hiện việc thẩm định thiết kế dễ dẫn đến tình trạng thông đồng trong quản lý chất lượng công trình xây dựng và cơ quan nhà nước không kiểm soát được chất lượng công trình ở bước thiết kế. Trong một số trường hợp có sự thông đồng giữa công ty tư vấn thiết kế với công ty tư vấn thẩm định dẫn đến thất thoát lãng phí hoặc công trình không đảm bảo về an toàn và hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng”, Bộ Xây dựng lý giải.
Theo Bộ Xây dựng, trong thực tế đã có trường hợp các công ty tư vấn không thống nhất được nội dung chất lượng hồ sơ thiết kế dẫn đến tình trạng chậm tiến độ thực trong công tác thẩm định.
Đối với kiến nghị giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở dưới 5.000 tỉ đồng, Bộ Xây dựng không đồng tình. Bộ Xây dựng nói nguyên nhân là Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đã phân biệt rõ phạm vi áp dụng, dự án 5.000 tỉ đồng hoặc di dân tái định cư từ 10.000 dân trở lên ở miền núi thì thực hiện theo Luật Đầu tư. Còn các dựa án khác thực hiện theo Luật Nhà ở.
Theo quy định, căn cứ vào quy mô sử dụng đất và số căn hộ thì dự án từ 2.500 căn trở lên thẩm quyền chấp thuận đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ, vì số lượng căn hộ này tương đương với 1 phường; trong khi theo quy định về địa giới hành chính, việc thành lập cấp phường phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Vì vậy, quy định hiện hành là hợp lý.
Phan Diệu