Sơn Trà: Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết thế nào thì quyết
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:01, 14/06/2017
Phát triển phải bền vững
Phát biểu tại phiên chất vấn sáng 14.6 về vấn đề Sơn Trà, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết thế nào thì quyết mà nói rất rõ đây là tiếp thu ý kiến. Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà. Còn ý kiến của Đà Nẵng và các bên cuối cùng do Thủ tướng quyết định. Luật định quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung đều là do Thủ tướng.
“Nếu chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa mà bảo tồnthì việc bỏ Sơn Trà ra khỏi 47 khu vực cũng là do Thủ tướng”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cho rằng vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong Đảng bộ chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. “Tất cả chúng ta đều yêu mến, hy sinh và muốn bảo vệ Sơn Trà và nhândân Đà Nẵng chắc chắn cũng như vậy.Nhân dân Đà Nẵng cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với Chính phủ về vấn đề Sơn Trà.
Theo Phó thủ tướng, trước đây, vì chưa có quy hoạch xây dựng nên Đà Nẵng theo thẩm quyền của mình đã cấp phép các dự án. Với nhà đầu tư, đó là Nhà nước cấp phép. Bây giờ khi chúng ta có quyết định khác ảnh hưởng đến các nhà đầu tư thì Đà Nẵng phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư. Theo pháp luật, các quyết định sau này khi ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp thì phải có giải pháp với doanh nghiệp.
“Tôi tin là khi Đà Nẵng chủ động vào cuộc sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Cuối cùng, Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển phải bền vững. Nếu giờ chưa làm được thì khi nào đảm bảo phát triển bền vững sẽ làm, bởi vì phát triển bền vững cần tri thức, kinh nghiệm và sức đầu tư lớn hơn”, Phó thủ tướng nói.
Giơ biển tranh luận trong phiên chất vấn ngày hôm qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc yêu mến Sơn Trà không phải riêng Đà Nẵng mà là người dân cả nước.
“Bao nhiêu hy sinh, xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này, chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó, không thể giao cho UBND Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì các cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị, chúng ta phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Nghĩa cũng đánh giá cao phần trả lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về chất vấn của mình. “Dư luận đánh giá rất cao Phó thủ tướng về phong cách làm việc, cho thấy việc nghiên cứu kỹ tài liệu và hiểu sâu vấn đề”.
Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết rất trăn trở trong vấn đề Sơn Trà. “Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn”, Bộ trưởng nói và nêu rõtừ 1.600 phòng trong quy hoạch có thể giảm tiếp. “Giảm tối đanhưng giảm bao nhiêu thì phải có căn cứ cụ thể”.
Có phải quy hoạch sau cắt quy hoạch trước 1.000 ha rừng?
Về băn khoăn có phải Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch thì cứ cái sau cắt đi 1.000 ha rừng so với cái trước hay không, Phó thủ tướng cũng làm rõ điều này. Theo đó, tháng 1.2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có Sơn Trà thì có khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 3.871 ha.
Sau đó 10 tháng, đến tháng 10.2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp một quy hoạch là quy hoạch về rừng đặc dụng trên cả nước, trong đó rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà 2.591,1 ha. Tháng 11.2016, quy hoạch du lịch Sơn Trà do chính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quy định diện tích khu du lịch Sơn Trà là 1.056 ha. Con số 1.056 ha này không chỉ là 1.000 ha trở lên quy định bởi Luật Du lịch mà đây là con số nằm trong bản đồ quy hoạch phát triển Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Ba con số này là 3 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một cái là diện tích khu bảo tồn, một cái là diện tích rừng đặc dụng, một cái là diện tích phạm vi quy hoạch khu du lịch. Không phải Chính phủ cứ phê duyệt cái sau thì cắt đi 1.000 ha so với cái trước”, Phó thủ tướng nói.
Ông lý giải thêm, ngay trong 1.056 ha phạm vi quy hoạch của khu du lịch quốc gia này cũng vẫn có rừng đặc dụng và không phải 1.000 ha đấy để làm xây dựng hết.
Một trong những thông số rất quan trọng là số phòng lưu trú, với số phòng lưu trú là 1.600 phòng thì anh em chuyên môn báo cáo rằng diện tích để xây dựng chỉ khoảng một vài chục ha.
“Chúng ta cần hiểu cho đúng vì nếu không nhân dân nhìn vào không hiểu tại sao Chính phủ một mặt nói là không đánh đổi môi trường, một mặt thì cứ cái sau lại cắt đi của cái trước 1.000 ha thì hoàn toàn không đúng, đây là các khái niệm khác nhau chứ không phải như vậy”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó thủ tướng cũng cho biết: “Tôi rất muốn báo cáo với Quốc hội và qua đây để cử tri yên lòng, tức là những quy hoạch này được các bộ chuẩn bị và đến Thủ tướng ký. Có rất nhiều điểm chúng ta cầu thị, tiếp thu và có những điểm căn bản thì cả hệ thống, bộ máy của chúng ta cũng đã làm rất trách nhiệm chứ không phải quá ẩu đến mức như một số lời suy đoán. Tôi xin báo cáo như vậy”.
Hoài Phong