Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: 'Tư duy nhiệm kỳ thì không xứng đáng làm cán bộ'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:19, 15/06/2017
Theo tập hợp của Tổng thư ký Quốc hội thì tại kỳ họp này, có nhiều vấn đề đại biểu muốn chất vấn người đứng đầu cơ quan hành pháp. Trong đó có tình trạng bội chi ngân sách nhà nước, nợ công tăng và ở mức cao, giải pháp khắc phục; tiết kiệm chi thường xuyên, kết quả và giải pháp thực hiện; việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; tái cơ cấu nông nghiệp (quy hoạch vùng, cơ cấu sản phẩm, nguồn lực, thị trường về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống sạt lở khu vực đồng bằng sông Cửu Long).
Một số đoàn đại biểu còn muốn chất vấn Thủ tướng về giải pháp xử lý các khoản nợ xấu, các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát; hướng xử lý các dự án “nghìn tỉ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Tuy vậy, trả lời báo chí sáng nay, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng chia sẻ, Thủ tướng cử một Phó thủ tướng thay mặt Thủ tướng trả lời những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ. Nhưng nếu đại biểu mà hỏi Thủ tướng thì chắc chắn Thủ tướng cũng sẽ trả lời. Thủ tướng có thể trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp. Đó là quyền của chủ tọa, luật pháp cho phép. Nếu có câu hỏi nào đặt ra thêm cần làm rõ thì chắc là Thủ tướng sẽ làm rõ thêm.
Bỏ biên chế giáo viên mới chỉ là đề xuất
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết đề xuất chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng khiến giáo viên rất hoang mang. Quan điểm của Chính phủ thế nào?
Trả lời vấn đề này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết đề xuất này nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện để đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ tốt người dân.
“Ý chung là chúng ta làm thế nào để công chức trở thành những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền, còn trong các đơn vị sự nghiệp thì viên chức chuyển thành hợp đồng. Vấn đề này cần nghiên cứu kỹ”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng cho rằngđây mới chỉ là đề xuất chứ chưa phải áp dụng ngay. Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ sắp xếp lại các đơn vị công lập và Hội nghị Trung ương 6 sẽ xem xét việc này.
Vẫn còn những dự án thua lỗ chưa phát hiện
Trả lời đại biểu về việc ngoài 12 dự án thua lỗ, thất thoát đã được phát hiện thì còn dự án nào khác nữa không? Phó thủ tướng cho biết vẫn còn những dự án thua lỗ khác, tuy nhiên, cơ quan chức năng cần rà soát, phát hiện và đưa ra giải pháp khắc phục như đối với 12 dự án “đắpchiếu” đã phát hiện.
Trong 12 dự án, đối với các dự án phục hồi được thì phải có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao.
“Tinh thần chung là không dùng ngân sách để xử lý và các dự án này sẽ được giải quyết theo cơ chế thị trường. Đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sai phạm. Trách nhiệm các ngành các cấp là thực hiện nghiêm các chỉ đạo về và có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó thủ tướng nói.
Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ
Về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó thủ tướng khẳng địnhđây là vùng trọng điểm cả nước về hàng hóa, nông sản, mật độ vận tải hàng hóa cũng rất lớn. Phó thủ tướng cho biết, giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư hạ tầng ở khu vực này khoảng 58.800 tỉ đồng, tương đương 11,5% tổng mức đầu tư cả nước. Tuy nhiên hiện đang có 26 dự án dở dang với tổng vốn lên đến 90.000 tỉ đồng.
“Nhà nước có quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động. Là kho gạo của cả nướcnhưng đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long còn khó khăn”, Phó thủ tướng nói.
Theo đó, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ rà soát lại số dự án dở dang. Riêng với dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận có sự yếu kém trong công tác tham mưu, làm kìm hãm các dự án khác trong vùng. Việc khó khăn là do thu xếp vốn. Tới đây sẽ khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đoạn Trung Lương - Cần Thơ.
Trong phần chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, đoạn cao tốc này khởi công năm 2010, tuy nhiên có những khó khăn và chưa hợp lý, Bộ đang kiểm tra. Ví dụ như đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trước kia quy mô mặt cắt ngang chỉ 13m trong khi đoạn TP.HCM - Trung Lương là 17m. Việc có một đoạn 13m khiến có nút thắt, không đồng bộ nên phải điều chỉnh lại, thu xếp thêm vốn. Chính phủ hiện cũng đồng ý điều chỉnh quy mô chung là 17m.
"Thời điểm này, dự án chỉ chờ ngân hàng đàm phán thu xếp vốn, ký cam kết tài trợ là có có thể triển khai bình thường. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được thực hiện nằm trong gói cao tốc Bắc Nam trong thời gian tới", ông Nghĩa nói.
Cho rằng nguồn vốn cho ngành giao thông đang rất thiếu và mong các đại biểu chia sẻ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết: “Tôi đang báo cáo riêng với Thủ tướng Chính phủ để dùng nguồn vốn dự phòng, ưu tiên cho ngành giao thông. Nếu chúng ta đầu tư cho giao thông cũng thúc đẩy những ngành khác. Đây là nhu cầu cấp bách của các địa phương nhưng ngân sách có hạn”.
Xử lý nghiêm hành vi bảo kê cát tặc, ô nhiễm môi trường
Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng “cát tặc” đang diễn ra ở nhiều nơi. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật; phân cấp quản lý và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tạm dừng việc cấp phép các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu đường thủy nội địa tận thu cát.
“Tăng cường kiểm tra, giám sát; có chế tài xử phạt đủ sức răn đe; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp; khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm; xử lý nghiêm hành vi “bảo kê”, tiếp tay cho cát tặc”, Phó thủ tướng nói.
Cùng với đó là soát quy hoạch, có kế hoạch khai thác cát sỏi và giải pháp thay thế phù hợp, góp phần bảo đảm nhu cầu xây dựng.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật; rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm soát hoạt động xả thải.
Tư duy nhiệm kỳ thì không xứng đáng làm cán bộ
Phó thủ tướng cho rằngphẩm chất của người cán bộ là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm, trách nhiệm của mình. Cán bộ có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng. Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân nên đòi hỏi công chức, cán bộ cũng phải trên tinh thần đó.
Người được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn vào vị trí công tác phải là người đáp ứng tiêu chuẩn đầy đủ, phải là cán bộ chuẩn mực, khi thực thi công vụ phải thực hiện theo đúng tinh thần trên.
Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân của vấn đề tư duy nhiệmkỳcó thể xuất phát từ khâu đánh giá cán bộ, quy hoạch bổ nhiệm chưa chính xác. Do đó, cần có điều chỉnh trong công tác tổ chức cán bộ để tìm được cán bộ xứng đáng. Tăng cường thanh tra để phát hiện ra những cán bộ không thực hiện đúng theo Nghị quyết, kế hoạch…dù cho tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, thậm chí có cả lợi ích nhóm…
Bên cạnh đó, thời gian quabáo chí đã phản ánh lãnh đạo một số địa phương có tình trạngtuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo ở đơn vị mình công tác, đứng đầu. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra vụ việc báo chí nêu và báo cáo Chính phủ. Bộ Nội vụ đã rà soát và phát hiện một số sai phạm. Thủ tướng đã yêu cầu thu hồi những quyết định trái pháp luật, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý các cá nhân saiphạm.
Hoài Phong