Để lộ thông tin người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:14, 17/06/2017

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi không bảo đảm bí mật và thông tin cho người tố cáo, trước thực trạng thời gian qua việc giữ gìn thông tin của người tố cáo chưa thật hiệu quả.

Thảo luận về Luật Tố cáo (sửa đổi) tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng chế định bảo vệ người tố cáo còn chưa đầy đủ và nhiều khiếm khuyết. “Nội dung bảo vệ là gì, phạm vi bảo vệ đến đâu, ai là người quyết định bảo vệ, lực lượng nào làm nhiệm vụ bảo vệ, biện pháp bảo vệ họ là gì… đều phải được làm rõ, nếu không trong thực tiễn không thể làm được”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng cho rằng, theo quy định, người tố cáo, người thân thích của người tố cáo sẽ được quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi họ cư trú, làm việc, học tập phải áp dụng các biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, trong thực tế rất khó thực hiện quy định này bởi người giải quyết tố cáo hay cơ quan công an phải có trách nhiệm xác minh lại yêu cầu có căn cứ hay không và ai sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trường hợp giữa cơ quan công an và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không thống nhất trong việc kết luận yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo là có căn cứ hay không có căn cứ thì giải quyết như thế nào, người tố cáo có được áp dụng các biện pháp bảo vệ hay không? Những vấn đề này cần được nghiên cứu và quy định rõ thì khi thực hiện mới áp dụng được.

Nói về điều này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo trước hết thuộc về người giải quyết tố cáo, sau đó là trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Quy định này cơ bản khắc phục được tình trạng là người tố cáo phải tự đi tìm người bảo vệ mình đồng thời hạn chế được khả năng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

“Tuy nhiên, nếu việc phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan tổ chức có liên quan không tốt thì việc bảo vệ người tố cáo vẫn khó có thể đảm bảo trên thực tiễn, nhất là trong các tình huống bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo”, ông Sang nói.

Do đó, đại biểu này đề nghị cần quy định cụ thể hơn về thời gian các cơ quan, cá nhân được yêu cầu phải tiến hành các biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, phải có chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp không chấp hành hoặc không kịp thời dẫn đến hậu quả không bảo vệ được người tố cáo.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), dự thảo luật còn chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính, là cơ quan đầu mối trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ. Đồng thời, việc xác định cơ quan công an bảo vệ người tố cáo là cấp nào? Nếu không rõ ràng sẽ chồng chéo, khó áp dụng.

Do đó, cần quy định thống nhất cơ quan đầu mối chủ trì đảm nhiệm trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc tất cả các lĩnh vực. Trong đó quy định hướng dẫn cụ thể trường hợp nào người giải quyết tố cáo sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an thuộc cấp nào; thời hạn cơ quan, cá nhân yêu cầu phải tiến hành các biện pháp bảo vệ; chế tài xử lý đối với những trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả không bảo vệ được người tố cáo theo yêu cầu…

Bà Thủy cũng đề nghị cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi không bảo đảm bí mật và thông tin cho người tố cáo, trước thực trạng thời gian qua việc giữ gìn thông tin của người tố cáo chưa thật hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, công an có rất nhiều việc, giờ lại bảo vệ cả người tố cáo nữa thì không thể đủ lực lượng thực hiện. “Nếu vậy thì Quốc hội phải xem xét tăng biên chế cho ngành công an”, ông Cầu hài hước nói.

Vị này cũng đề xuất, hiện có lực lượng bảo vệ dân phố, các công ty vệ sĩ… có thể thuê họ để bảo vệ người tố cáo.

Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu tranh luận nhau về việc có nên bổ sung hình thức tố cáo là email và fax hay không.

Nhóm ủng hộ cho rằng đây là hình thức mới phù hợp với tình hình xã hội, tiện dụng, đảm bảo bí mật, nhanh chóng… nên nếu có đầy đủ bằng chứng kèm theo thì có thể xem xét. Còn nhóm phản đối cho rằng việc lập tài khoản mạng rất đơn giản nên nếu cho phép tố cáo bằng hình thức này thì giải quyết không xuể. Thậm chí việc có thể dùng điện di động, email, fax của người khác để tố cáo, dẫn đến giải quyết rất mất thời gian, làm mất uy tín, danh dự của người bị tố cáo mà không xử lý được người tố cáo sai…

Đồng tình với việc cho phép mở rộng hình thức tố cáo, trong phiên giải trình của mình, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng mở rộng thêm 2 hình thức: thư điện tử có ký tên và các phương tiện thông tin truyền thông khác nhưng có nội dung, bằng chứng rõ ràng, cụ thể thì có thể xem xét theo quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo.

Với đơn thư nặc danh, ông Phan Văn Sáu cho rằng nếu có đủ bằng chứng thì dùng làm tư liệu để xem xét, giải quyết nhưng không theo quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo.

Hoài Phong

Trí Lâm