Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống tín dụng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:15, 19/06/2017

Liên quan đến các giải pháp quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới, một nội dung đáng chú ý được Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề cập khi trả lời chất vấn đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Cụ thể, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Nhóm giải pháp tái cơ cấu hệ thống sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chỉ đạo các TCTD xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó là khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTDvà xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ cơ cấu lại các TCTDvà xử lý nợ xấu sau khi được thông qua.

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặt biệt; thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia cơ cấu lại; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Chủ động cung cấp đầy đủ thông tin; đưa tin đúng, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh gây tác động xấu, tạo dư luận bất lợi đến sự phát triển ổn định của hệ thống các TCTDvà thị trường tài chính, tiền tệ.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước,tính đến ngày 31.12.2016, nợ xấu của các TCTDlà hơn 160.000 tỉ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỉđồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ. Nếu gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được… chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.

Hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ. Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16%, thì trong 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỉ đồng, nâng tổng nợ xấu lên đến khoảng 600.000 tỉ đồng.

Tuyết Nhung

tuyetnhung