Người đẹp được tự do thi nhan sắc quốc tế: Lợi ít, hại nhiều?
Văn hóa - Ngày đăng : 17:06, 19/06/2017
Nhan sắc không được thẩm định… sẽ rất nguy hiểm
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cách đây không lâu cho biết, sắp tới ông sẽ đề xuất để sửa đổi lại một số điều trong Nghị định số 79/2012 và Nghị định số 15/2016 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật.
Cụ thể, Cục NTBD sẽ đề xuất bỏ quy định: “Chỉ những người đẹp có danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc trong nước mới được cấp phép dự thi nhan sắc quốc tế”. Trong tương lai, tất cả các người đẹp đều có thể tự do dự thi các cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài mà không cần xin phép Cục NTBD.
Mặc dù mới chỉ mang tính dự kiến nhưng ý nghĩ “cởi trói” luật để tạo điều cho các người đẹp có nhiều cơ hội chinh chiến “đấu trường” nhan sắc ở nước ngoài đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ trên VTV, “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam là Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Và không phải bây giờ ông mới ủng hộ mà trước đây ông cũng đã nói rất nhiều về chuyện này.
“Việc một người đẹp Việt Nam đang không vi phạm pháp luật, có thể tự lo điều kiện ra nước ngoài dự thi nhan sắc với tư cách là công dân thì nên ủng hộ.
Những người đẹp đó tự bỏ tiền túi ra đi thi, mang nhan sắc Việt Nam ra quảng bá cho bạn bè quốc tế rồi nếu có thêm giải thưởng nữa càng tốt chứ sao. Những điều đó theo tôi là không nên cấm đoán.
Tuy nhiên, nếu là người đẹp được các ban ngành cử đại diện cho nhan sắc Việt Nam dự thi một cuộc thi có quy mô lớn, uy tín, đẳng cấp… thì nên phải được cấp phép. Bởi vì, khi đã đại diện cho nhan sắc của một đất nước thì phải được thẩm định để xem người đó có đủ tiêu chuẩn hay không, có xứng đáng hay chưa”, Nhà báo Dương Kỳ Anh nói.
Theo Nhà báo Dương Kỳ Anh, để chặt chẽ hơn, những người đẹp tự do muốn ra nước ngoài dự thi nhan sắc cần phải trao đổi với cơ quan quản lý để họ có thể nắm được và có thể đưa ra những tư vấn hợp lý, làm sao để không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia.
Cựu người mẫu Quang Tú - Giám đốc Công ty New Talent chia sẻ, dưới góc độ người đứng đầu một công ty tổ chức - quản lý chuyên về lĩnh vực người đẹp-người mẫu, anh Tú rất vui trước ý định điều chỉnh luật cho người đẹp dự thi nhan sắc quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui ấy sẽ là nỗi lo “lợi ít, hại nhiều”.
Anh Tú phân tích, hiện nay, đang có quá nhiều người đẹp lạm dụng các danh hiệu vào các mục đích thương mại. Nếu cơ quan quản lý không có quy định cụ thể sẽ dễ dẫn đến tình trạng bát nháo, loạn nhào.
“Theo tôi, chúng ta bị thiếu đồng bộ khi đưa ra những quy định trước đây vì thế đã tạo nên nhiều hệ luỵ. Theo tôi được biết, tiêu chuẩn của những cuộc thi hoa hậu uy tín đều rất cao. Và những người đẹp được cử đi mới xứng đáng đại diện cho nhan sắc, văn hóa và bản sắc của quốc gia đó. Trên thế giới hiện có rất nhiều cuộc thi vì thế chúng ta phải có quy định cụ thể cuộc thi nào xứng đáng cử người đẹp Việt đại diện cho nhan sắc quốc gia tham dự và cuộc thi nào được phép dự thi với tư cách cá nhân”, cựu người mẫu này nói.
NTK Minh Hạnh cho rằng, vấn đề của việc cấp phép không phải là chỉ một tờ giấy phép mà là quản lý về văn hoá. Không thể để cho một cô gái có một đời sống, nhân cách, nhân thân… chưa đủ xứng đáng, đại diện cho vẻ đẹp của một thế hệ ra “đấu trường” nhan sắc quốc tế.
Hoa hậu Ngọc Hân băn khoăn rằng, một người đẹp ra nước ngoài dự sắc đẹp dù với tư cách cá nhân hay được cử đi cũng sẽ được số đông xem là đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam. Và nếu con người ấy, tâm hồn ấy, nhan sắc ấy… không được thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ rất nguy hiểm.
Loạn đi thi người đẹp đã gây ảnh hưởng rất xấu
Trước ý định sửa đổi luật từ “tiền kiểm” (cấp phép từ đầu) sang “hậu kiểm” (đi thi về mới báo cáo) của Cục NTBD, “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam cho rằng, ông vẫn nhất quán với quan điểm không nên cấm người đẹp dự thi nhan sắc quốc tế với tư cách cá nhân. Nhưng người đẹp đi với tư cách cá nhân chỉ được phép xuất hiện theo kiểu “thí sinh đến từ Việt Nam” chứ không phải “người đẹp đại diện Việt Nam”. Các cuộc thi người đẹp hiện nay đều rất công khai, cơ quan quản lý lẫn người dân có thể theo dõi sát sao được nên nếu phát hiện vi phạm phải nghiêm khắc xử lý.
Bản thân cựu người mẫu Quang Tú lại nhấn mạnh, việc loạn thi người đẹp đã gây ảnh hưởng rất xấu đến công chúng nói chung và gây nhiễu loạn trong việc định hình thẩm mỹ của giới trẻ nói riêng. Theo cựu người mẫu này, việc có được danh hiệu là tốt nhưng phải được sử dụng đúng mục đích hoặc phải được đại diện cho một tầng lớp nào đó.
“Dưới gốc độ công ty tổ chức thì đúng là chúng tôi rất cần những người đẹp có danh hiệu. Nhưng dưới góc độ của một người hoạt động trong lĩnh vực người đẹp - người mẫu, tôi thấy nhiều người đẹp có danh hiệu ngày nay chưa hề có bất kỳ đóng góp nào đối với sự phát triển xã hội và thậm chí không hề xứng đáng với danh hiệu mà họ có. Đó là lí do nhiều người kêu loạn danh hiệu, loạn nhan sắc.
Cục NTBD là cơ quan quản lý về lĩnh vực này, chắc chắn họ phải biết cuộc thi nọ, cuộc thi kia ra sao… từ đó có cân nhắc đối với các cá nhân hoặc tổ chức muốn đưa người đẹp ra nước ngoài dự thi nhan sắc”, anh Quang Tú nói.
Anh Quang Tú đồng tình với quan điểm, hình ảnh của người đẹp Việt Nam ra nước ngoài dự thi phải được kiểm soát. Bởi mỗi hành động, mỗi lời nói của các người đẹp là đại diện cho cả một quốc gia, dân tộc. Vì lẽ đó, để có thể kiểm soát tốt nhất việc này nên ra quy định là những người đẹp phải có danh hiệu trong nước mới được dự thi những cuộc thi lớn. Theo cựu người mẫu này, đó sẽ là cơ sở để biết được người đẹp đó có xứng đáng hay không. Nếu không sẽ dễ bị nhầm lẫn bởi danh hiệu thực sự và danh hiệu đạt được nhờ “thương mại”.
Quang Tú cũng nhấn mạnh rằng, vẻ đẹp đi ra “đấu trường” nhan sắc quốc tế phải là vẻ đẹp của một dân tộc, một nền văn hóa cũng như đại diện cho một thương hiệu nào đó của đất nước. Ví dụ như: quảng bá du lịch, quảng bá tình hữu nghị hoặc quảng bá cho vẻ đẹp liên quan đến thời trang. Và điều đó đòi hỏi những phát ngôn, hành động, ứng xử… phải đạt đúng độ chuẩn. Phải làm sao đó để góp phần tôn vinh hoặc làm cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đẹp hơn chứ không được phép làm xấu hơn.
Theo Nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh, vai trò của truyền thông trong việc “dựng” nên hình ảnh của một người đẹp sau cuộc thi là rất quan trọng. Khi đăng tải hình ảnh và thông tin của một người đẹp có danh hiệu nào đó trở về từ một cuộc thi, phải nói rõ, đây chỉ là một cuộc thi quy mô bé của một địa phương ở quốc gia nào đó tổ chức. Và danh hiệu người đẹp đó đạt được cũng không quá to tát. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng loạn danh hiệu, hoa hậu uy tín cũng ngang bằng với hoa hậu “ao làng”.
Hà Tùng Long/Dân Trí