Khởi động dự án nâng cao giá trị thương mại của sản vật tại Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:46, 20/06/2017

Ngày 20.6 tại Hà Nội, dự án BioTrade SECO đã tổ chức hội thảo Khởi động dự án Thương mại Sinh học vùng Đông Nam Á – dự án do Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ và thực hiện bởi HELVETAS (Tổ chức phi chính phủ Quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ). Tổng số tiền tài trợ cho toàn bộ dự án tại Việt Nam, Lào, Myanmar là 4,9 triệu USD, trong đó số tiền tài trợ cho Việt Nam từ năm 2017 – 2020 là 2,7 triệu USD.

Đông Nam Á là một trong những trung tâm đa dạng sinh học quan trọng nhất trên thế giới và Việt Nam, Lào, Myanmar nằm trong số các quốc gia có nền đa dạng sinh học lớn nhất trên trái đất. Trên thế giới, nhu cầu về các sản phẩm nguyên liệu tự nhiên tăng từ 10 – 15% mỗi năm. Nguyên liệu tự nhiên có nguồn gốc từ các quốc gia có tiềm năng kinh tế rất lớn – đặc biệt ở các thị trường cao cấp quốc tế, nơi khách hàng sẵn sàng trả giá cao để có được sản phẩm sản xuất bền vững và theo cơ chế thương mại công bằng.

Theo ông Miroslav Delaporte – Trưởng bộ môn Hợp tác (Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam), dự án này hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc thúc đẩy thương mại hóa bền vững nguyên liệu tự nhiên. Cụ thể, dự án chú trọng đến tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu địa phương, nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn và khuyến khích họ tuẩn thủ và áp dụng các nguyên tắc BioTrade.

Tại Việt Nam, ông Miroslav Delaporte cũng cho rằng ngành nguyên liệu tự nhiên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng để trở thành một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu do ngành nguyên liệu tự nhiên đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, một trong số đó là tình trạng khai thác quá mức tài nguyên để xuất khẩu sang thị trường chất lượng thấp.“Nguyên nhân đó chính là mối đe dọa đến các vấn đề xã hội, môi trường và sinh kế của nông dân vùng cao cũng như hạn chế cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp địa phương”, ông Miroslav Delaporte nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Để phát huy tiềm năng kinh tế và môi trường rộng lớn của ngành nguyên liệu tự nhiên, dự án sẽ tập trung vào những lĩnh vực: hợp tác với 12 công ty ở Việt Nam trong tổng số 20 công ty tại 3 nước (Việt Nam, Lào, Myanmar) để thành lập các chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu theo nguyên tắc BioTrade. Ngoài ra, dự án sẽ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ để giảm thiểu và gỡ bỏ các rào cản đang làm chậm quá trình tăng trưởng của ngành đồng thời hợp tác với chính phủ và các tổ chức khác cũng như các bên liên quan để xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho Thương mại Sinh học.

Quản đốc Dự án vùng, tổ chức HELVETAS chia sẻ: “Trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ chú trọng tăng khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu trong nước và giúp họ tiếp cận thị trường cao cấp đồng thời tạo cơ hội tăng thu nhập và việc làm tốt hơn cho người trồng/thu hái và nhà sản xuất. Bằng cách kết hợp các nguyên tắc của BioTrade, chúng tôi đảm bảo rằng đa dạng sinh học sẽ được bảo vệ và khuyến khích phát triển”.

BioTrade là khái niệm bao gồm các hoạt động liên quan đến việc thu hái, sản xuất, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc đa dạng sinh học bản địa theo các tiêu chí bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Nguyên liệu tự nhiên là các sản phẩm được chế biến từ thực vật, động vật và vi sinh vật thu hái và nuôi trồng trong tự nhiên hoặc đã nội địa hóa, được sản xuất theo cách thức sinh thái, không sử dụng sản phẩm hóa chất. Nguyên liệu tự nhiên đã được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm hoặc thực phẩm.

BioTrade là sáng kiến được khởi xướng từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) để hỗ trợ thực hiện các công ước về đa dạng sinh học.

Thu Anh

Thu Anh