Ăn phở Tàu Bay ở Mỹ
Du lịch - Ngày đăng : 10:15, 20/06/2017
Tới đường Keyes tấp nập, ngang qua trung tâm thương mại của San Jose, thành phố đông dân nhất ở Bắc California nằm trong vùng thiên nhiên thơ mộng được mệnh danh Thung lũng Hoa Vàng hay Thung lũng Silicon, nơi tập trung những công ty điện tử nổi tiếng nhất thế giới, chúng tôi đã nhận ra ngay tiệm phở này nhờ bảng hiệu được đắp nổi 3 chữ Phở Tàu Bay cùng logo là chiếc máy bay Boeing (không phải tàu bay bà già như tôi vẫn hình dung trước lúc tới đây!). Theo anh Trần, hiệu phở này có gốc gác với Phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ - Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, Phở Tàu Bay bay qua Hong Kong rồi “bay” tiếp sang California. Thuở ban đầu tới Mỹ, Phở Tàu Bay còn ghi phía dưới logo Boeing mấy chữ cái LTT để nhắc mọi người luôn nhớ đến xuất xứ nổi tiếng của mình ở quê nhà. Cũng theo anh Trần, gọi là có gốc gác với tiệm phở Lý Thái Tổ, tuy vậy đến nay thương hiệu Phở Tàu Bay đã qua vài chủ quản lý rồi.
Như bất kỳ nhà hàng nào ở Mỹ, tiệm Phở Tàu Bay cũng phải niêm yết công khai những thông tin cần thiết: số đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, giá cả mặt hàng kinh doanh kèm theo thực đơn và những lưu ý về luật, ví dụ như không được uống rượu bia tại đây (có lẽ vì ở Mỹ không coi phở và các loại mì là món nhậu). Đặc biệt là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường được lồng khung kính treo lên (nếu giấy chứng nhận màu xanh: rất tốt, màu vàng: có vấn đề phải sửa chữa ngay, còn màu đỏ thì khỏi phải treo vì đồng nghĩa với đóng cửa tiêm!). Hiện tại, tiệm mở cửa từ 8 giờ sáng đến nửa đêm. Khách ăn phở sáng thường là người Việt, người Hoa, ăn phở trưa chủ yếu là dân công sở, còn buổi tối thì đủ cả các tầng lớp như trong bài "Phở đức tụng" của Tú Mỡ...
Sau khi mời khách vào bàn và dùng trà ướp hoa lài, anh phục vụ hỏi từng người dùng loại phở gì, tô trung bình (size M) hay tô lớn (size L)? Chúng tôi ai cũng muốn gọi một tô "Đặc biệt Tàu Bay" (L) kèm một ly cam tươi. Anh Trần cười, chỉ 2 cái tôĐặc biệt Tàu Bay do một đôi nam thanh nữ tú người Mỹ mới dùng xong và đã ra về: nó to gấp hai tô trung bình, có đường kính tới 30 cm. Theo Menu, Phở Tàu Bay truyền thống chỉ gồm những loại phở bò (Beef Noodle Soup), trên 20 loại, chênh lệch giá giữa tô trung bình và tô lớn không đáng kể mà về lượng tô lớn gần gấp đôi tô trung bình. Ví dụ phở Tái Filet Mignon tô L 10,25 USD, tô M 9,25 USD. Cùng với Phở Tàu Bay còn Phở Gà đi bộ, các loại mì, miến, hủ tiếu. Món khai vị như chả giò, gỏi cuốn, bánh tiêu... cũng rất hấp dẫn. Anh Trần vốn là dân Chợ Lớn sang đây đầu thập niên 1990, nói vui: "Có cả Phở Tàu Bay "không người lái" nữa đấy. Vâng, đó là phở chay và phở dành cho người ăn kiêng (chỉ có rau, đậu, củ, quả còn nước vẫn là nước xương)".
Chỉ một loáng, nhân viên phục vụ đã bưng lên cho chúng tôi những tô phở nghi ngút khói: những lát thịt bò tái thái mỏng, bánh phở trắng mịn mềm dai, phảng phất hương gạo mới, lại đủ cả húng quế, hành ngò, giá, xà lách Coron... Đáng khen nhất là nước lèo được ninh bằng xương bò, không cho bột ngọt, còn gừng nướng, quế, hồi (mà là đại hồi chứ không được dùng tiểu hồi, hồi núi vốn chỉ sử dụng trong sản xuất nhang thắp mà Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ đã cấm). Nếu quý khách thích thêm nước lèo lúc nào nhà hàng sẽ bưng lên lúc ấy cho nóng. Một chị bạn nhà thơ trong đoàn chúng tôi, chiều nay mải ngắm cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate) bắc qua vịnh San Francisco và chờ nghe "tiếng còi trong sương" (khi sương mù bao phủ cây cầu Cổng Vàng, những hồi còi đơn âm sắc được hụ vang lên để báo cho tàu bè lưu thông thận trọng) nên đã bị cảm lạnh, nay vui vẻ phát biểu: "Ăn đến đâu nó lan tỏa ấm áp đến đấy, người cứ tỉnh hẳn ra. Tôi nghĩ, phở cứ làm đúng cách, với nguyên liệu tốt như của Mỹ thì ở đâu nó cũng nhất..."
Trước lúc trở về khách sạn, đoàn du khách chúng tôi còn ra phía trước cửa tiệm, lưu luyến ngắm bảng hiệu Phở Tàu Bay. Ai cũng thấy vui vì ở ngay xứ sở "ăn cơm Tầu, ở nhà Tây" nổi tiếng này mà phở của ta vẫn được đông đảo người dân nơi đây ưa thích.
Bài và ảnh:Nguyễn Hoàng Bích