Uber, Grab có đang phá giá thị trường như lời tố của taxi truyền thống?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:23, 21/06/2017
Taxi truyền thống khócạnh tranh
“Đây là cách bán phá giá. Không phải riêng tại Việt Nam mà ở nhiều nước đều có luật chống phá giá. Nước mình xuất khẩu cá tra sang Mỹ, sơ suất cũng bị kiện bán phá giá ngay. Vậy tại sao tại thị trường Việt Nam, các hãng này đưa các mức giá thất thường mà mình không có động thái gì để điều chỉnh? Chúng tôi sẽ khởi kiện họ và kiến nghị Nhà nước xem xét về vấn đề chính sách quản lý giá. Chứ như kiểu cá lớn nuốt cá bé hiện nay thì không ổn”, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCMnói với Một Thế Giới.
Ông Hỷ phân tích, nếu không được Nhà nước bảo hộ hợp lý, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ lụi bại dần và tiến tới phá sản. Hệ lụy sau đó sẽ là không nhỏ cho hàng trăm nghìn gia đình Việt, sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước và tạo ra nhiều phức tạp cho xã hội.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng Uber và Grab đang gây khủng hoảng cho taxi truyền thống do bán phá giá.
Bởi lẽ, cứ mỗi đợt khuyến mãi, Uber và Grab có rất nhiều chương trình “0 đồng”. Thậm chí, Grab còn triển khai chương trình khuyến mãi hành khách đi dưới 5km chỉ phải trả 10.000 đồng, nhập mã khuyến mại buổi sáng thì giảm buổi chiều... Mặc dù những doanh nghiệp taxi truyền thống cũng giảm giá cước tới 8.000 đồng/km, nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi. Cách này của Grab gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp taxi.
Về các ý kiến trên, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định taxi truyền thống đang bị đối xử không được công bằng trong một vài trường hợp. Đơn cử như việc trên một số tuyến đường cấm taxi vào giờ cao điểm, thế nhưng xe con của Grab và Uber lại không bị cấm. Như vậy, hoạt động taxi của Uber và Grab trong trường hợp này là không công bằng. Do đó, Nhà nước cần thiết lập sân chơi chung bình đẳng, đảm bảo công bằng cho tất cả các hãng taxi.
Cần phân tích rõ mới biết có phá giá hay không
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định rằng hành vi kinh doanh trên thực tế thị trường rất phong phú, trong khi bản chất của Luật Cạnh tranh không phải là để hạn chế cạnh tranh. Trường hợp của Uber, Grab là những doanh nghiệp khởi nghiệp, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sáng tạo, do vậy không thể tùy tiện hủy bỏ, yêu cầu cấm nếu như họ đưa ra mức giá rẻ hơn.
Có chung quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết để phán xét Uber hay Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không thì cần các chuyên gia phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng.
Bởi vì vấn đề này đang nằm giữa ranh giới có hay không việc bảo đảm tính cạnh tranh. Nếu thực sự Uber và Grab làm khuyến mãi liên tục, làm phá giá thị trường thì cần phân tích kỹ để có phán xét đó là sự vi phạm. Nhà nước không thể gạt được các doanh nghiệp này ra khỏi thị trường, mà chỉ nên hạn chế được hành vi khuyến mãi dẫn đến loạn giá của họ.
Tương tự, theo TS Lê Đăng Doanh, Nhà nước không nên cấm Grab, Uber mà cần phải ủng hộ sựtiến bộvì đây loại hình kinh doanh mới. Bộ GTVT có thể yêu cầu các hãng này đáp ứng các điều kiện kinh doanh của Việt Nam, thiếu quy định nào thì phải đáp ứng đầy đủ mới được hoạt động.
“Chúng ta ủng hộ sự tiến bộ và có thể xem xét sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng các quy định, không được lách luật, trốn thuế”, ông Doanh nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khuyên rằngViệt Nam có thể học hỏi cách quản lý Uber từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Malaysia, Singapore từng cấm Uber hoạt động với những quy định xử phạt rất nặng. Sau đó, Singapore đã siết chặt hơn quy định cước phí, yêu cầu chỉ dùng cho các xe taxi và tài xế của Uber và Grab có giấy phép hành nghề.
Cũng nói về vấn đề này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường không đồng tình với nhận định Grab và Ubersử dụng chính sách giá rẻ để thu hút, giatăng lượng khách.
Theo Thứ trưởng, Uber và Grab đang gián tiếp tạo rasân chơi mới của những nhà kinh doanh vận tải biết ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, từ đó giảm chi phí và mang lại lợi ích cho khách hàng.Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã thấy rõ lợi ích của sân chơi mới này nên đã chủ động xây dựng ứng dụng riêng hoặc kết nối với các nhà cung cấp phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh lành mạnh trong ngành vận tải và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Số lượng xe công nghệ tăng nhanh
Đến nay, cơ quan quản lý đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ cho 7 đơn vịgồm Grab, Uber, Thanhcong Car, Mailinh Car, Home Car, LB. Car, Vic. Car. Theo số liệu của Vụ Vận tải, tính đến tháng 4.2017, số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi tham gia đề án thí điểmlà hơn 13.500 xe.
Tại Hà Nội, đã có 19.200 taxi trong khi lượng xe taxi công nghệ đã lên đến 7.000 chiếc. Còn theo thống kê của TP.HCM, hiện thành phố có trên 11.000 xe taxi và chỉ trong vòng 1 năm qua, lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (loại xe thường được sử dụng để chạy Uber và Grab) đã tăng 22.000 xe.