Thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu: Đã chốt được phạm vi xử lý nợ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:23, 21/06/2017
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu vàtrong quá trình xử lý nợ xấuphải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, có2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lýtheo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu của hai phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu, phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số đại biểu.
Sau khi cân nhắc, UBTVQH nhận thấy để bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng như đã đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%; mặt khác, đây là nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15.8.2017.
Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới. Sau quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.
UBTVQH cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các TCTD có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15.8.2017.
Đối với việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, Nghị quyết nêu rõ, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ; được thỏa thuận với TCTD với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập.
Về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảmtại tòa án, UBTVQH cho biết, việc không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD.
Do đó, căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết đã bổ sung cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở giao dịch bảo đảm này đã được đăng ký theo quy định của pháp luật (phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba). Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, nghị quyết này đã giao Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn chi tiết về áp dụng thủ tục rút gọn.
UBTVQH cũng nêu rõ, các tài sản bảo đảm chokhoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Quốc hội đã thảo luận nghiêm túc và trách nhiệm
Sáng nay, trong phiên bế mạc, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3 với nhiều nội dung quan trọng.“Các vị đại biểu đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”.
Liên quan đến dự án sân bay Long Thành, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án".
Chủ tịchNguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định: "Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri và dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể, chất lượng phát biểu cũng được nâng cao”.
“Các đại biểu quốc hội không chỉ tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận với các đại biểu khác về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Các Bộ trưởng trực tiếp giải trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo… đã tạo ra không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp", Chủ tịch Quốc hội nói.