Hàng loạt trẻ bị viêm não nằm chờ chết và sống thực vật
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:34, 26/06/2017
Bệnh nhân gần như chỉ chết và để lại di chứng
Số bệnh nhi mắc viêm não, viêm não Nhật Bản phải nhập viện tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM tăng lên chóng mặt. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh viêm não chuyển đến bệnh viện đều trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, phải thở máy, khả năng cứu sống rất thấp.
Theo thống kêmới nhất, từ đầu năm 2017 đến nay cả nước có 25 ca mắc viêm não, trong đó có khoảng 50% là viêm não Nhật Bản.
Chỉ tính riêng tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có gần 10 trẻ mắc viêm não, viêm não Nhật Bản rất nặng đang phải thở máy.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh,Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho hay đây là thời điểm bước vào mùa của bệnh viêm não. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm này năm ngoái thì trẻ mắc viêm não nặng hơn rất nhiều. Trong số gần 10 trẻ mắc viêm não kể trên, có khoảng 60% trẻ bị viêm não Nhật Bản.
Phần lớn các trẻ trên đều rất nặng, hôn mê sâu, phải thở mở, khả năng tử vong chiếm khoảng 10%; số còn lại nhiều khả năng để lại di chứng nặng nề, nhẹ nhất là chậm phát triển trí tuệ đến động kinh, sống thực vật. Rất khó có bệnh nhi nào không để lại di chứng.
Do quá đông bệnh nhi mắc viêm não nặng phải thở máy nên trong những ngày qua tại khoa đã không còn đủ số máy thở đáp ứng cho bệnh nhi. Các bệnh nhi mắc viêm não phải nằm tạm ở khoa cấp cứu, vì tại khoa này đã hết giường hồi sức, thở máy dành cho bệnh nhi. “Đặc thù của viêm não ở khu vực miền Nam thường nặng hơn nhiều so với khu vực miền Bắc, nhưng không nghĩ năm nay trẻ mắc viêm não lại nặng đến vậy”, bác sĩ Khanh than.
Ngồi thẫn thờ bên hành lang lầu 1, khoa Nhiễm -Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị V. than thở, con trai chị cháu N.(12 tuổi, quê Bến Tre) điều trị căn bệnh viêm não tại đây hơn 1 năm qua. Đến nay cháu vẫn còn thở máy, ăn uống qua đường tĩnh mạch. “Các bác sĩ nói, nếu cháu có bình phục thì cũng sống thực vật. Gia đình đau khổ lắm, cả năm qua có làm gì được đâu”, chị V. rơm rớm nước mắt nói.
Đưa tay xoa xoa cánh tay teo tóp của đứa con gái, chị H. buồn bã nói: “Cháu nó nằm ở đây từ tháng 10.2016 đến nay nhưng vẫn còn phải thở máy, chưa biết khi nào khỏi bệnh, tui sợ cháu không qua khỏi”.
Bé trai này mắc viêm não, điều trịhơn 1 năm nhưng vẫn còn hôn mê sâu, phảithở máy.
Theo lời chị H., con gái chị là cháu Ng. (10 tuổi, quê Long An) đang rất khỏe mạnh bỗng dưng cháu bị sốt, ói, gia đình liền đưa cháu đến bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi.
Tuy nhiên, về nhà uống thuốc cháu vẫn không hết sốt, gia đình thấy lo quá nên đưa ngay lên Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra. Đến đây cháu lại than đau đầu rồi sau đó bỗng dưng co giật, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm não phải nhập viện cấp cứu.
“Sau khi xét nghiệm dịch não tủy, các bác sĩ xác định cháu bị viêm não Nhật Bản.Bác sĩ nói, sao gia đình không cho cháu tiêm ngừa viêm não Nhật Bản, nhưng ở quê tui có biết gì chuyện tiêm ngừa này đâu. Tưởng chỉ điều trị một thời gian ngắn cháu sẽ khỏi, ai ngờ gần cả năm, cháu vẫn nằm bất tỉnh, hôn mê sâu như thế này”, chị H. xót xa khi nóivề căn bệnh của con gái mình.
Theo bác sĩ Khanh, trong điều trị bệnh viêm não, ít nhất là phải 10 ngày, kéo dài đến cả tháng. Nếu thời điểm này trẻ không vượt qua thì sẽ tử vong hoặc phải nằm điều trị kéo dài cả năm. “Điều trị một trẻ mắc viêm não rất tốn kém, nhất là về máy thở, vì có những trẻ bị di chứng phải lệ thuộc máy thở cả năm, thậm chí nhiều năm”, bác sĩ Khanh nói.
Giai đoạn đầu của bệnh rất khó phát hiện
Bác sĩ Khanh cho rằng, bệnh nhân mắc viêm não thường rất khó phát hiện sớm. Những triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản cũng giống như các bệnh thông thường khác nhưsốt, ói, nhức đầu... Do đó thường lúc đầu, các bác sĩ hay chẩn đoán bị sốt siêu vi.
Tuy nhiên, viêm não diễn biến bệnh rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật. Thế nhưng khi bệnh nhân co giật thì bệnh đã nặng, rơi vào hôn mê, phải thở máy. “Chính điều này mà nhiều phụ huynh bệnh nhi phản ứng lại các bác sĩ, vì cho rằng con mình bị viêm não mà bác sĩ chẩn đoán sốt siêu viđể rồi cuối cùng phát hiện bệnh viêm não thì bệnh đã nặng”, bác sĩ Khanh giãibày.
Bé gái này cũng đang trong tình trạng nguy kịch, dù đã điều trị viêm nãomột thời gian dài.
Sở dĩ bệnh viêm não tăng cao như hiện nay, ngoài bước vào mùa của bệnh viêm não (thời điểm từ tháng 6 đến tháng 10) do dịch vùng dịch tễ phát triển, thì theo bác sĩ Khanh còn do các trẻ này chưa được chích ngừa đầy đủ.
“Phần lớn các trẻ mắc viêm não đang điều trị tại đây đều từ 6 tuổi trở lên. Các cháu quên tiêm nhắc lại mũi 3 sau 1 năm. Thường trẻ bước vào 12 tháng tuổi là tiêm viêm não Nhật Bản, sau đó 1 tuần có thể tiêm mũi 2, sau 1 năm tiêm mũi 3 và cứ sau 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Phần lớn những trẻ lớn tuổi là do quên, không nhớ tiêm mũi 1 lúc nào nên không chịu tiêm nhắc lại khiến trẻ bị mắc bệnh”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Vi rút viêm não Nhật Bản được lây truyền từ muỗi Culex (muỗi ruộng), muỗi này chủ yếu sống ở ruộng lúa, là vật trung gian lây truyền từ các loại gia súc, gia cầm nhiễm vi rút này sang người. Vì thế bệnh này tập trung chủ yếu các vùng nông thôn có trồng lúa xen lẫn với nuôi heo.
Để xác định viêm não, bác sĩ Khanh cho biết, các bác sĩ phải lấy nước ở thắt lưng để xét nghiệm và lấy nước ở thắt lưng cùng với máu để xác định viêm não Nhật Bản.
“Mặc dù vậy, vi rút này không lây từ người sang người như sốt xuất huyết nên cũng rất khó có thể bùng phát thành dịch”, bác sĩ Khanh khẳng định.
Hồ Quang