Thị trường bất động sản đang đổi ‘trục’ sang nhà giá rẻ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 09:43, 27/06/2017
Thị trường sẽ có sự điều chỉnh lớn
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Trong giai đoạn 2017 – 2020, bất động sản sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
“Sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị theo khuyến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu”, ông Châu nhận định.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây, nhất là sau thời điểm 15.8.2017 - ngày Nghị quyết về xử lý nợ xấu có hiệu lực thi hành.
Đáng chú ý, Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật và sử dụng các công cụ về thuế, như thuế đánh vào người có nhiều nhà, thuế bất động sản; công cụ về tín dụng như lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 6/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; công cụ về quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở; công cụ hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng….
Việc ban hành các quy định này để điều chỉnh thị trường bất động sản nhằm mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững. “Dự báo thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, đơn giản hơn, giảm thiểu dần tình trạng nhũng nhiễu hiện nay”, ông Châu nói thêm.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, tình hình đảm bảo an toàn, xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến gia tăng hơn trước đây do ngày càng nhiều người lựa chọn sống trong nhà chung cư trong quá trình đô thị hóa.
Chưa xảy ra bong bóng bất động sản
Về dự báo khả năng có hay không có "bong bóng" bất động sản trong năm 2017, ông Lê Hoàng Châu nói rằng khó có thể xảy ra do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.
Đồng quan điểm với ông Châu, ông Greg Ohan - Giám đốc JLL Việt Nam nhận định thị trường bất động sản sẽ chưa có khả năng xảy ra bong bóng. Bởi lẽ, bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nếu nắm bắt được chu kỳ thị trường, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội.
“Bất động sản thường trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Các giai đoạn có thể được mô tả như sau: phục hồi, tăng trưởng, sốt nóngvà đóng băng. Dường như Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu dịch chuyển từ giai đoạn tăng trưởng và sốt nóng”, ông Greg Ohan nhận định.
Theo Giám đốc JLL Việt Nam, bất động sản sẽ dịch chuyển theo một khuôn mẫu mà nhà đầu tư có thể quan sát và dự đoán. Tuy nhiên, chu kỳ bất động sản thường không ổn định, mà nó chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực đối với các nhà đầu tư.
“Thị trường bất động sản Việt Nam đã qua khỏi thời kỳ bong bóng bất động sản từ năm 2011 và hiện tại người mua đang được tiếp cận mức tín dụng hợp lý hơn, tỷ lệ lạm phát thấp. Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực ASEAN.
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, luật sở hữu bất động sản cho người nước ngoài được nới lỏng cũng đã tạo ra những tín hiệu tích cực cho thị trường. Năm 2015, Việt Nam đã chính thức mở cửa cho người Việt định cư ở nước ngoài đầu tư bất động sản, đã tạo ra làn sóng đầu tư đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam”, ông nói thêm.
Phan Diệu