Miếng dán vắc xin thẩm thấu thay thế cho tiêm ngừa cúm bằng kim tiêm
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:38, 28/06/2017
Không đau, an toàn, tiết kiệm vắc xin, dễ bảo quản
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng miếng dán vắc xin thẩm thấu có thể là biện pháp thay thế vừa không đau mà vẫn an toàn cho phương pháp tiêm chủng cúm truyền thống. Trên bề mặt miếng dán vắc xin thẩm thấu nhỏ bằng đồng xu được gắn 100 chiếc kim cực nhỏ có chiều cao chưa đến 1mm chứa sẵn vắc xin. Khi dán lên da, những chiếc kim này đưa lượng vắc xin thẩm thấu qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn hay chảy máu do tiết diện của chúng rất nhỏ. Với miếng dán này, lượng vắc xin sử dụng cũng ít hơn.
Những người sợ kim tiêm chắc chắn thích cách tiếp cận này. Bên cạnh đó, cách tiêm chủng bằng miếng dán còn mang lại những lợi ích khác. Những miếng dán vắc xin không chỉ giúp giảm chi phí cho quy trình chủng ngừa và giảm thiểu chất thải nguy hại, mà còn không cần phải được giữ lạnh vì chúng ổn định ở nhiệt độ 40 độ C trong cả năm. Hơn thế nữa, bệnh nhân có thể tự dán. Những lợi ích cộng thêm này rất hữu ích trong trường hợp xảy ra đại dịch lớn ở những nơi không đảm bảo được điều kiện bảo quản lạnh, và lượng vắc xin sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu.
Nadine Rouphael - Phó Giáo sư Y khoa đại học Y Emory (Atlanta, Georgia, Mỹ), đồng tác giả công trình nghiên cứu - nói: “Tôi cho rằng sản phẩm này sẽ đơn giản hóa việc tiếp cận vắc xin cũng như có thể mở rộng phạm vi triển khai tiêm ngừa”.
Mặc dù cơ ngànhy tế các nước luôn vận động người dân chủng ngừa cúm, nhưng vẫn còn rất nhiều người thờ ơ dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc, ngay cả ở những nước lớn, có nền kinh tế phát triển.Như ởAnh, chỉ riêng những biến chứng theo mùa của bệnh cúm đã giết chết khoảng 600 người mỗi năm, còn ở Mỹ, thì hàng năm đến gần nửa dân số bị nhiễm cúm và số tử vong lên đến 48 ngàn người, theo AFP.
Thử nghiệm trên 100 người tình nguyện
Nhóm nghiên cứu so sánh phương pháp tiêm ngừa truyền thống bằng kim tiêm với việc sử dụng những miếng dán vắc xin. 100 người thử nghiệm tuổi từ 18 đến 49, vốn là những người từng quyết định không tiêm ngừa vắc xin cúm, được chia ngẫu nhiên thành 4 nhóm.
Một trong 4 nhóm này được chủng ngừa theo cách truyền thống là tiêm vắc xin vào cánh tay. Những người ở 3 nhóm còn lại được dán miếng dán lên cổ tay trong vòng 20 phút, thời gian để những chiếc kim cực nhỏ đưa lượng vắc xin thẩm thấu qua da, rồi lột bỏ miếng dán đã hết thuốc. Trong 3 nhóm này, có 1 nhóm nhận giả dược và 2 nhóm còn lại là vắc xin cúm. Trong 2 nhóm thử nghiệm với miếng dán có vắc xin cúm, thì 1 nhóm tự dán, còn 1 nhóm được nhân viên y tế dán.
Trong vòng 180 ngày, những người tham gia thử nghiệm đều được theo dõi để ghi nhận những phản ứng bất lợi và đo lường mức kháng thể.
Kết quả nghiên cứu được Rouphael và các đồng nghiệp ở Đại học Emory và Học viện Công nghệ Georgia đăng tải trên Tạp chí Y khoa Lancet. Theo đó, không có người tham gia thử nghiệm nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, còn những phản ứng nhẹ với vắc xin thì tương tự ở những người được tiêm chủng, bất kể là bằng phương pháp nào.
Cả hai cách tiêm chủng đều gây căng thẳng ở một số bệnh nhân, nhưng 96% số người được chủng ngừa bằng miếng dán nói rằng kỹ thuật mới này không gây đau.
Phản ứng kháng thể đối với ba chủng khác nhau cũng hoạt động tốt với miếng dán, và 70% trong số những người chủng ngừa vắc xin bằng miếng dán cho biết họ thích phương pháp này hơn là phương pháp tiêm ngừa truyền thống.
Trongkhi ứng dụng kim cực nhỏ để đưa dưỡng chất thẩm thấu qua da đã được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, trong đó có kỹ thuật tiêm botox, thì nghiên cứu mới này xem xét tiềm năng của nó trong tiêm ngừa cúm
"Rất dễ sử dụng, mọi người đều cảm thấy thoải mái khi tự làm việc đó, nó thẫm thấu rất tốt", Rouphael nói. Tuy nhiên, Rouphael cũng cho rằng cần thực hiện thêm những thử nghiệm trên quy mô lớn hơn, và cũng cần thêm vài năm nữa trước khi những miếng dán chủng ngừa cúm được phổ biến rộng rãi.
Còn theo Linda Klavinskis, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học King (London, Anh), nghiên cứu này là một bước tiến nhưng vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm cả việc làm thế nào để tăng cường phản ứng miễn dịch ở những bệnh nhân lớn tuổi và làm thế nào để tăng cường hiệu quả của vắc xin được sử dụng - điều quan trọng trong trường hợp xảy ra đại dịch, khi nhu cầu vắc xin tăng cao và kéo dài.
John McCauley, Giám đốc Trung tâm Cúp toàn cầu tại Viện Francis Crick ở London, cho rằng nghiên cứu này có thể giúp nâng cao số lượng người tham gia tiêm chủng. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng đây thật sự là một bước tiến đầy hứa hẹn. Nếu chúng ta có thể làm cho chuyện chủng ngừa trở nên dễ dàng hơn, thì sẽ có thêm nhiều người tham gia. Với thêm nhiều người được tiêm chủng, thì khả năng kiểm soát tình trạng lây nhiễm cũng tốt hơn".
HOÀNG ANH