Bộ Nội vụ: Người ngoài Đảng vẫn có thể tham gia thi tuyển lãnh đạo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:52, 28/06/2017
Tại cuộc họp báo chiều 27.6 của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã giải đáp nhiều thắc mắc về vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo.
Theo văn bản hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng ở 14 bộ ngành Trung ương và 22 địa phương do Bộ Nội vụ vừa ban hành, đối tượng dự tuyển bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Nếu những cán bộ này có đủ điều kiện và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương thì được quyền đăng ký dự tuyển.
Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện đang giữ. Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi dự tuyển thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển chọn.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên) được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.
Nội dung thi tuyển phải có kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.
Nội dung thi trình bày đề án gồm: Đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển và những người tham dự.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, việc thi tuyển sẽ giúp đảm bảo công khai, góp phần khắc phục những bất cập lâu nay. Tuy nhiên, đề án này không thay cho quy trình công tác cán bộmà là chọn nhân sự giỏi nhất trong những người đủ tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, theo ông Thăng, Bộ Nội vụ đã dành một quy định riêng cho "đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển" và nhân sự được đề cử nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được thi vào vị trí cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ. Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành tối thiểu 3 năm và chỉ được dự tuyển vào chức danh phó trưởng phòng.
Ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức Bộ Nội vụ cũng cho biết, đây không phải là chủ trương mới và kết quả thi tuyển trước đây vẫn được giữ nguyên.
Trước đó, trả lời một số cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, mục đích đặt ra của việc thí điểm là phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đề án này không thay nhiệm vụ của công tác bổ nhiệm cán bộ,mà thay vì trước đây chọn, cử người thìnay thi để tuyển người. Nhiều người có tiêu chuẩn điều kiện giống nhauqua kỳ thi sẽ chọn được người tốt nhất.
“Việc thi tuyển cũng không phải là thay cho quy trình cán bộ mà công tác cánbộ vẫn phải làm đúng quy trình của Đảng. Đây chỉ là đổi mới phương thức tuyển chọn, là khâu đầu. Làm được việc này thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và chọn được đúng người”, Bộ trưởng Tân nói.
Bộ trưởng cho biết, theo quy định, khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì tập thể lãnh đạo và cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 2 người dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 1 người dự thi, Hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.
Hoài Phong