Lật lại chuyện Việt Nam được quyền chọn bảng đấu ở SEA Games 22

Thể thao - Ngày đăng : 12:42, 30/06/2017

Để bảo vệ điều lệ được quyền chọn bảng đấu tại SEA Games, chủ nhà Malaysia đã trưng ra bằng chứng Việt Nam cũng từng dùng chiêu này.

Mặc dù vấp phải sử phản đối quyết liệt của các nước trong khu vực sau khi đưa ra điều lệ được tự do chọn bảng đấu ở môn bóng đá nam và một vài môn khác nhưng chủ nhà SEA Games 29 không có ý định từ bỏ.

Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Malaysia, Sieh Kok Chi mới đây đưa ra bằng chứng cho thấy trong quá khứ các nước chủ nhà từng được tự chọn bảng đấu như họ đề xuất.

ÔngSieh Kok Chi cáo buộc Việt Nam đã từng dùng ưu thế chọn bảng đấu

Trường hợp của Việt Nam tại SEA Games 22 và Indonesia tại SEA Games 26 được quan chức người Mã chỉ đích danh. Vậy sự thật như thế nào?

Đầu tiên phải thừa nhận, ông Sieh Kok Chi đã nghiên cứu kỹ những điều lệ mà chủ nhà các kỳ SEA Games trong quá khứ từng áp dụng.

Lập luận của ông Sieh Kok Chi không phải là thiếu cơ sở. Chỉ có điều, đặc quyền mà Việt Nam có được tại SEA Games 22 năm 2003 không phải nhận những phản ứng gay gắt như hiện tại của Malaysia và chỉ đơn giản là được chọn thi tại đấu bảng A trên sân nhà mà thôi.

SEA Games 22 chỉ có 8 đội tham dự và được chia ra thành hai bảng đều nhau

Quan trọng hơn khi đó chỉ có 8 đội bóng nam tham dự lễ bốc thăm vì Brunei không tham dự. Nhưng một nửa số đội có quyền chọn sẵn bảng đấu từ trước giờ bốc thăm gồm ĐKVĐ Thái Lan, Malaysia, Singapore và chủ nhà Việt Nam. Chỉ có 4 đội còn lại gồm Myanmar, Indonesia, Lào và Campuchia phải tham dự lễ bốc thăm.

Tại giải đấu năm đó Việt Nam rơi vào bảng đấu với những đối thủ rất mạnh gồm có Thái Lan, Indonesia và Lào. Đây là bảng đấu nặng hơn hẳn nhóm 4 đội còn lại gồm Malaysia, Singapore, Myanmar và Campuchia.

Sau khi kết quả bốc thăm được công bố đã không có sự phàn nàn nào từ các đội bóng tham dự giải. Điều này trái ngược hoàn toàn với trường hợp của Malaysia ở SEA Games 29 khi tất cả các nước đều lên tiếng đòi hủy đặc quyền của họ.

HLVAlfred Riedl là thuyền trưởng của TVN. Ảnh Tuấn Tú

Nếu như tại SEA Games 2003 Việt Nam là chủ nhà nhưng chỉ có lợi thế mà mọi quốc gia đăng cai đều có đó là được chơi trên sân nhà. Và nữa, do có 8 đội tham dự, mỗi bảng có 4 đội nên các đội đá bằng số trận với nhau.

Trong khi đó tại giải đấu năm 2017 do có 11 đội góp mặt nên sẽ có bảng đấu có 5 đội và 6 đội. Malaysia với đặc quyền được lựa chọn bảng đấu gần như chắc chắn sẽ vào bảng đấu 5 đội hơn mà không cần phải tham gia bốc thăm. Điều này giúp họ thi đấu ít hơn một trận so với các đối thủ ở bảng còn lại, qua đó có lợi thế về thể lực cho vòng bán kết.

Phân tích như thế để thấy tính chất của việc Việt Nam cũng từng được quyền chọn bảng đấu ở SEA Games 22 rất khác so với Malaysia năm 2017.

Tại giải đấu cách đây 14 năm, chủ nhà Việt Nam không hề nắm giữ lợi thế nào từ việc bốc thăm môn bóng đá nam, ngoại trừ yếu tố đương nhiên là sân nhà.

Còn điều lệ tại SEA Games 29 nếu được đưa vào điều lệ coi như giúp Malaysia đặt một chân vào bán kết.

Duy Khương

Bùi Ngọc