VCCI: ‘Điều kiện kinh doanh đang can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:26, 30/06/2017
Ngày 30.6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi công bố báo cáo “Rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện dựa trên việc xem xét tổng quát tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Danh mục.
Các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) này thường thể hiện ở các hình thức: Yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có tối thiểu cơ sở vật chất nào đó (ví dụ đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe, thương nhân xuất nhập khẩu LPG phải có tổng kho dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3…); Hoặc yêu cầu tổ chức bộ máy phải có bộ phận nhất định (ví dụ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải biển, lai dắt tàu biển phải có người phụ trách chuyên về pháp chế, khai thác kinh doanh); Yêu cầu thương nhân phải có số vốn tối thiểu (ví dụ thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải có số tiền ký quỹ là 10 tỉ đồng nộp tại một cơ sở tín dụng…).
Cũng theo VCCI, các ĐKKD có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Pháp luật về doanh nghiệp quy định quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh, thuê và sử dụng lao động. Tuy nhiên, các quyền này dường như bị can thiệp quá mức và bất hợp lý tại một số điều kiện kinh doanh.
Có thể kể đến như yêu cầu phải tổ chức kinh doanh theo một phương thức cứng nhắc (kinh doanh vận tải hành khách được chia thành vận tải theo tuyến cố định, bằng taxi, xe buýt, xe hợp đồng; kinh doanh LPG phải tổ chức theo hệ thống phân phối từ tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán LPG chai…); Yêu cầu liên quan đến quản lý nội bộ, tự chủ kinh doanh (phương án kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải có bộ phận pháp chế và kinh doanh).
Cùng với đó, ĐKKD có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính như các ĐKKD hướng tới chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - những vấn đề vốn dĩ do thị trường điều chỉnh…
“Đôi khi các nhà làm luật (chỉ các Bộ, ngành) “đang có sự nhầm lẫn khi xác định mục tiêu ban hành các ĐKKD. Họ quan tâm quá nhiều đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khi xây dựng một ĐKKD nào đó”, VCCI nhận định.
Cơ quan này cũng chỉ ra, trong 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện do 3 Bộ quản lý thì điều kiện do mỗi Bộ “thiết kế” đều có những dấu ấn riêng.
Cụ thể, 5 ngành nghề đang quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ có xu hướng yêu cầu về kinh nghiệm của các nhân sự (4/6 ngành nghề có yêu cầu này).
“Yêu cầu này là hợp lý, bởi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ mà doanh nghiêp cung cấp. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, bằng cấp thì các điều kiện lại hướng đến kinh nghiệm làm việc”, VCCI cho biết.
VCCI cũng nhận xét: “Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm làm việc không phản ánh trình độ của một cá nhân nào đó. Điều kiện về nhân lực đang được thiết kế với đầy đủ bằng cấp chuyên môn, thậm chí còn phải trải qua kỳ sát hạch cấp chứng chỉ - điều này chứng tỏ các cá nhân đó đã đủ trình độ. Việc yêu cầu kinh nghiệm chỉ làm gia tăng thêm khó khăn cho những đối tượng có trình độ nhưng thiếu số năm kinh nghiệm, đồng thời cản trở cho nhiều chủ thể muốn khởi nghiệp”.
Còn với Bộ Công Thương, “dấu ấn” thể hiện ở yêu cầu về quy mô doanh nghiệp, chủ yếu ở các yêu cầu phải đáp ứng một cơ sở vật chất nào đó, với diện tích/dung tích tối thiểu, hoặc vốn tối thiểu; Yêu cầu doanh nghiệp đi theo hình thức kinh doanh “xơ cứng”.
Cụ thể, Bộ chia hoạt động phân phối thành: Hoạt động phân phối, hoạt động bán buôn, hoạt động bán lẻ/hoạt động nhập khẩu, hoạt động phân phối, tổng đại lý, đại lý (có thể thấy rất rõ trong kinh doanh khí, kinh doanh rượu, kinh doanh thuốc lá).
Theo VCCI, các ĐKKD ở mỗi hình thức phân phối này lại được thiết kế theo hướng phụ thuộc lẫn nhau. Chẳng hạn cửa hàng bán LPG chai thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý, hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Như vậy, sẽ không còn chỗ cho cửa hàng bán LPG chai tự do.
Đối với Bộ GTVT, xu hướng là quy định các ngành nghề để hướng tới mục tiêu đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như các điều kiện về trình độ chuyên môn của các nhân viên phục vụ, yêu cầu về tổ chức bộ máy phải có bộ phận pháp chế và kinh doanh, yêu cầu đăng ký chất lượng dịch vụ.
VCCI kiến nghị, đối với 5 ngành nghề - tương ứng 195 ĐKKD của Bộ Công Thương, cần bỏ 56 điều kiện, sửa đổi 4 điều kiện; Đối với 4 ngành nghề - tương ứng với 116 ĐKKD của Bộ GTVT, đề xuất bỏ 27 điều kiện, sửa đổi 4 điều kiện; Đối với 5 ngành nghề - tương ứng 91 ĐKKD của Bộ KH-CN, đề xuất bỏ 12 điều kiện, sửa đổi 5 điều kiện.
Cũng theo báo cáo, trong danh mục đang tồn tại một số ngành nghề mà VCCI đánh giá là “không có tác động nào đáng kể tới lợi ích công cộng. Những rủi ro (nếu có) sẽ chỉ tác động đến chủ thể tư và các chủ thể này đã có pháp luật tư bảo vệ” như: kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và kinh doanh dịch vụ in bao bì…
Cùng với đó, có những ngành nghề kinh doanh xác định phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết. Tại các ngành nghề này, không phải tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư đều tác động đến lợi ích công cộng mà chỉ một/một vài khâu trong quá trình đó cần được kiểm soát. Việc không phân tách rõ phạm vi mà sử dụng chung cụm từ “kinh doanh” trước tên ngành nghề đã khiến việc kiểm soát vượt quá mức.
Hoài Phong