Myanmar không cho LHQ điều tra cáo buộc diệt chủng người Rohingya
Quốc tế - Ngày đăng : 22:09, 30/06/2017
Ông Kyaw Zeya, thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar nói: “Nếu LHQ cử ai đến với nhiệm vụ tìm kiếm sự thật, thì chẳng có lý do nào để chúng tôicho họ vào”.
Ông còn nói sẽ không cấp visa nhập cảnh Myanmar cho bất kỳ người nào làm việc cho đoàn điều tra của LHQ.
Theo báo Independent (Anh) ngày 30.6, chính phủ Myanmar luôn bác bỏ cáo buộc cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi bị đối mặt với nạn diệt chủng ở bang Rakkine hẻo lánh.Chính phủ từng bác bỏ các chứng cứ vi phạm nhân quyền, gọi đó là “tin vịt” và “xuyên tạc”.
Myanmar cũng nói một báo cáo của LHQ công bố hồi tháng 2 là “thổi phồng”.Báo cáo LHQ nêu đã phát hiện xác trẻ mới sinh và trẻ con bị giết bằng dao “trong những chiến dịch dọn sạch khu vực”.
Báo cáo này kết luận: Các chiến dịch quân sự của lực lượng an ninh đã đánh đập bạo tàn người Rohingya, gây ra nhiều vụ mất tích, hiếp dâm tập thể và giết người.
Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đã nói sẽ từ chối hợp tác với một đoàn điều tra LHQ, tiếp sau một nghị quyết do Hội đồng nhân quyền đưa ra hồi tháng 3.
Bà Aung San Suu Kyie nắm quyền lực ở Myanmar hồi năm ngoái, như một phần quá độ từ chế độ quân sự. Bà bị chỉ trích không bảo vệ khoảng hơn 1 triệu người Rohingya theo đạo Hồi không có quốc gia.
Vẫn theo Independent, dân Myanmar (đông người theo đạo Phật) từ lâu cho rằng người Rohingya là di dân trái phép từ Bangladesh qua.
Khoảng 75.000 người Rohingya đã trốn khỏi bang Rakkine sang Bangladesh hồi năm 2016, tiếp sau chiến dịch an ninh do quân đội Myanmar thực hiện.
Hồi tháng 3, Liên minhchâu Âu (EU) kêu gọi mở cuộc điều tra những cáo buộc ngược đãi người Rohingya ở phía bắc Myanmar. Đến tháng 5, nữ luật sư Indira Jaising thuộc Tòa án tối cao Ấn Độ được chỉ định làm trưởng đoàn điều tra.
Thế nhưng Myanmar nhấn mạnh một cuộc điều tra trong nước, do cựu trung tá - Phó Tổng thống Myint Swe dẫn đầu - là đủ để xem xét các cáo buộc diệt chủng ở bang Rakhine.
Hồi tháng 5, bà Aung San Suu Kyi tranh cãi với EU rằng có cần thiết thực hiện nghị quyết LHQ và cử một đoàn tìm kiếm sự thật đến Myanmar hay không.
Phát biểu tại Brussels, bà Aung San Suu Kyi nói sự không tin cậy lẫn nhau giữa người Myanmar với người Rohingya đã có từ thế kỷ 18, nên Myanmar cần nhiều thời gian để giải quyết:
“Chúng tôi không phớt lờ những cáo buộc hiếp dâm, giết người...chúng tôi chỉ yêu cầu những vụ việc này được trình bày ở tòa án và được xét xử”. Bà Aung San Suu Kie nói thêm: "Chính phủ Myanmar đã tách khỏi nghị quyết LHQ, vì chúng tôi không nghĩ nghị quyết này có liên quan với những gì thật sự xảy ra”.
Hồi đầu tháng 6 khi thăm Thụy Điển, bà nói nghị quyết LHQ “sẽ tạo ra sự thù địch lớn giữa hai cộng đồng”.
Kim Hương (theo Independent)