Bộ, ngành…di dời nhưng không bàn giao đất cho Hà Nội

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:34, 03/07/2017

Theo UBND TP.Hà Nội, kết quả việc di dời nhà máy, cơ quan ra khỏi thành phố còn rất hạn chế. Các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới gồm bộ, ngành (9 cơ sở), bệnh viện tuyến Trung ương (8 bệnh viện), giáo dục (1 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho thành phố.

Theo kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội khóa 4,UBND thành phố cầnxem xét việc di dời các nhà máy, các cơ quan ra khỏi thành phố. Bên cạnh đó, việcxây dựng các trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, dẫn tới mật độ dân cư quá dày cũng đang tăng thêm áp lực về hạ tầng đô thị, tạo gánh nặng giải quyết ách tắc giao thôngvà các vấn đề dân sinh khác.

Bộ, ngành chưa giao đất sau khi di dời

TP.Hà Nội cho biết,tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23.1.2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong các quận nội thành Hà Nội, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan.

Thành phố cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện công tác di dời các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế tại các quận nội đô theo định hướng quy hoạch chung nhằm tạo động lực phát triển các khu vực ngoài đô thị trung tâm (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...), giảm sức hút đối với lao động, dân cư ngoại thành, ngoại tỉnh đồng thời tạo quỹ đất phục vụ đầu tư bổ sung các công trình xã hội của thành phố còn thiếu.

“Tuy nhiên đến nay kết quả di dời còn rất hạn chế, các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới gồm bộ, ngành (9 cơ sở), bệnh viện tuyến Trung ương (8 bệnh viện), giáo dục (1 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho thành phố”, văn bản nêu.

UBND thành phố cũng đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương để rà soát, đối chiếu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm công nghiệp di dời, khu - cụm công nghiệp theo danh mục cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm thứ tự di dời.

Hiện nay, các sở, ngành được thành phố giao chủ trì đang tổng hợp số lượng cơ sở sản xuất đã thỏa thuận vị trí di dời khỏi khu vực nội thành và tình trạng quản lý sử dụng quỹ đất sau di dời đểtổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Theo định hướng,quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được UBND thành phố xem xét chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng... phần diện tích còn lại được xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở... trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có kiến nghị về chính sách nhằm tăng cường phát triển kinh tế xã hội đồng đều hơn trong và ngoài khu vực vùng Thủ đô, nhằm giải quyết hạn chế quá trình dicư từ các tỉnh vềHà Nội.

Mỗi năm Hà Nội tăng thêm 200.000 người

Về việc đầu tư xây dựng các chung cư, trung tâm thương mại cao tầng, TP.Hà Nội cho biết,việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án, các khu đô thị đã đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu; đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, phê duyệt dự án, Thành phố yêu cầu xác định rõ trách nhiệm đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, trường học công lập do nhà nước đầu tư, quản lý sẽ được giao chính quyền địa phương làm chủ đầu tư thực hiện. Công tác kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất theo dự án và được các cơ quan chuyên môn liên quan của thành phố thực hiện.

Việc các chủ đầu tư xây dựng không đúng mục đích, chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội là vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng. UBND thành phố đang tiến hành thanh tra, kiểm tra và đề xuất các giải pháp xử lý, không cho phép chuyển đổi quỹ đất dành cho xây dựng nhà trẻ, trường học sang chức năng dân dụng khác.

Nguyên nhân của tình trạng này là do mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 200.000 ngườido sức hút của quá trình đô thị hóa. Đây chính là áp lực lớn lên tổng thể hạ tầng đô thị của Thủ đô. Việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp với tốc độ phát triển, đô thị hóa là vấn đề không chỉ riêng đối với Hà Nội mà là vấn đề chung của nhiều đô thị đang phát triển.

“Việc mở mới hoặc mở rộng các tuyến đường cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, các loại hình giao thông công cộng, các công trình hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ có tác độngảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị”, văn bản nêu.

Để giải quyết các vấn đề nói trên, UBND thành phố các địnhmấu chốt là đẩy nhanh việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó bao gồm các tuyến đường xuyên tâm, vành đai mới, các tuyến đường sắt đô thị; các dự án cấp thoát nước, xử lý rác, nghĩa trang... đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện; tăng cường hệ thống cây xanh thủ đô để giảm tải và cải thiện hiệu quả môi trường đô thị hiện nay.

Thủ tướng từng nhắc nhở các bộ, ngành

Hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng vừa yêu cầu các bộ ngành liên quan lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại khu trung tâm Tây Hồ Tây với quy mô khoảng 20 ha và khu Mễ Trì với quy mô khoảng 55 ha. Đồ án quy hoạch này phải hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2/2017.

Hoài Phong

Trí Lâm