Tuồng cổ - Di sản văn hóa cần gìn giữ
Văn hóa - Ngày đăng : 10:37, 12/07/2017
Mẩu đối thoại vui này cho ta một suy nghĩ, vì sao các thế hệ trẻ sau này không yêu thích nghệ thuật dân tộc có thời đã được coi là quốc hồn, quốc túy này nhỉ? Câu trả lời thật đơn giản và thật đáng buồn: Vì họ không biết gì về nó. Bài viết nhỏ này mong muốn giới thiệu khái lược những nét đặc sắc nhất (theo cảm quan của tác giả) về nghệ thuật Tuồng.
Nguồn gốc ra đời và phát triển của Tuồng
Tuồng còn được gọi là Hát Bộ hay Hát Bội được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một yếu tố văn hóa nào khác, khi du nhập và muốn tồn tại đều phải nội sinh hóa ở những mức độ nhất định. Tuồng du nhập từ Trung Quốc nhưng đã kết hợp thật hài hòa với các yếu tố văn hóa dân gian như các trò diễn dân gian, thơ ca dân gian và luôn luôn mang hơi thở của cuộc sống Việt Nam. Chính vì vậy, trải qua một thời gian dài phát triển, thăng trầm, Tuồng trở thành một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân gian; vừa mang tính cung đình vừa mang tính dân dã.
Trống chầu trong sân khấu tuồng thường dùng cho Ban tổ chức, chức sắc của địa phương đánh trống, vừa cầm nhịp vừa để thưởng – phạt đối với kép hát trên sân khấu.
Thời điểm Tuồng du nhập vào Việt Nam chưa được minh xác và chưa có sự đồng thuận trong số các nhà nghiên cứu. Thể theo truyền thuyết về việc một kép hát người Hán là Liêu Thủ Tâm đến trình bày nghệ thuật hát xướng của nhà Tống được vua Lê Long Đĩnh thu dụng, bổ nhiệm làm Trưởng Phường, dạy cung nữ ca hát trong cung thì người ta cho rằng Tuồng có từ thời Tiền Lê vào năm 1005; Những ghi chép trong sử sách về việc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã tha tội cho một tù binh vốn là kép hát tên Lý Nguyên Cát và sai dạy lối hát đó cho binh sĩ, lại cho thấy Tuồng chắc đã có từ thời Trần. Câu chuyện về vai trò của Tuồng trong đời sống cung đình khiến cho nhà Trần suýt mất ngôi và đất nước phải đối đầu với họa xâm lăng của Chiêm Thành vào cuối thời Trần đã cho thấy Nghệ thuật Tuồng rất phát triển, nó tác động mạnh mẽ đến lối sống xa hoa trụy lạc của cung đình, đến nỗi thời Lê Thánh Tông đã cấm không cho Tuồng biểu diễn trong cung, cấm cả con hát không được tham gia thi cử để ra làm quan.
Các diễn viên tự hóa trang theo nhân vật đảm nhận trong vở tuồng được biểu diễn.
Lệnh cấm của vị Vua nổi tiếng anh minh nhưng có lẽ hơi cực đoan đối với bộ môn nghệ thuật này đã làm cho Tuồng không còn vị trí trong cung đình như trước, nhưng nó lại nở rộ trong đời sống dân dã. Và hậu quả của lệnh cấm này của Vua đã làm nảy sinh một ông tổ, người đặt nền móng cho nghệ thuật Tuồng Bác học Việt Nam. Và sau này chính nhờ nền tảng này mà Tuồng cung đình phát triển đạt đến cực thịnh vào thời nhà Nguyễn. Đó là câu chuyện về Đào Duy Từ (1572-1634). Ông vốn là con trai của một kép hát nổi tiếng, quê Thanh Hóa, nên không được phép đi thi, dù học rộng, tài cao. Ông đã giả danh đi thi và đỗ hương cống, việc bại lộ ông bị tước học vị. Buồn nản, ông đã rời quê vào sinh sống ở Bình Định. Trong thời gian chờ đợi sự tiến cử với chúa Nguyễn ông đã mở trường dạy Tuồng ở Bình Định, đưa nghệ thuật tuồng vượt ra khỏi tầm một nghệ thuật dân gian đạt đến tầm một nghệ thuật cổ điển, bác học.
Động tác đi ngựa (mang tính ước lệ) trong tuồng.
Cũng thời gian này, trên nền của diễn xướng dân gian, Tuồng đã du nhập thêm các yếu tố của văn hóa Chăm Pa, làm xuất hiện một lối hát mới, hát giọng Nam ai oán, u uất, trầm buồn. Muộn hơn chút nữa, lại du nhập thêm lối hát của người Hoa gọi là giọng Khách, tươi vui, hồ hởi. Hai cách hát thể hiện tâm trạng đối lập này đã cung cấp cho tuồng cổ những công cụ hữu hiệu để hoàn thiện nghệ thuật cách điệu và biểu trưng của mình.
Thời nhà Nguyễn, Tuồng cung đình đạt đến cực thịnh, trở thành quốc kịch. Đây là thời kỳ định hình các chuẩn mực quan trọng và đích thực của nghệ thuật Tuồng. Tiếc thay sự suy tàn của nhà Nguyễn cũng kéo theo sự suy vi của Tuồng cung đình. Sang thế kỷ XX, với sự ra đời của Cải Lương và Kịch Nói làm cho Tuồng dân gian cũng dần dần vắng khách.
Đặc trưng của Tuồng
Tuồnglà nghệ thuật có tính tổng hợp cao, nó là sự phối hợp một cách nhuần nhuyễn giữa văn học, âm nhạc, vũ đạo, hội họa và các trò diễn xướng dân gian. Mỗi một vở hay một tiết mục Tuồng đều phải dựng trên một kịch bản văn học. Trong đó lời thoại và lời hát đều sử dụng các thể thơ. Những kịch bản của Tuồng cung đình luôn khẳng định, ca ngợi sự tất thắng của chính nghĩa, của cái thiện và đạo lý của con người. Chất bi hùng đã tạo nên đặc trưng thẩm mỹ độc đáo nhất của Tuồng. Mỗi vở Tuồng, mỗi nhân vật trình diễn đều là những bài học, những tấm gương về đạo lý, đặc biệt là đạo trung quân ái quốc.
Một cảnh trong vở tuồng “Tam nữ đồ vương” (còn gọi là Đào Tam Xuân loạn trào), nhân vật Bàng Hồng ngoạn cảnh bằng “long xa phụng tán” - phương tiện mang tính tượng trưng của tuồng trên sân khấu.
Âm nhạcgồm hai bộ phận chủ đạo là khí nhạc và thanh nhạc. Khí nhạc về cơ bản gồm các nhạc cụ dân tộc như trống chầu, trống chiến, trống lệnh, thanh la, cồng, mõ và kèn. Thanh nhạc là phần hát,Hát Tuồnglà sự kết hợp của: nói lối (hình thức nói cách điệu có tiết tấu, có giai điệu, thường được viết bằng chữ Nôm), nhịp phách và làn điệu. Sự kết hợp đa dạng khác nhau của các yếu tố này sẽ tạo ra những nhân vật khác với tính cách, tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau.
Yếu tố hội họa của Tuồng cổ thể hiện rõ nhất trong mặt nạ và trang phục. Mỗi một nhân vật khi xuất hiện trên sân khấu đều được vẽ mặt nạ kỹ lưỡng thể hiện rõ đặc trưng của vai diễn, ví dụ tướng trung hậu có nền mặt đỏ, kẻ gian thần có nền mặt trắng, nền mặt xanh cho các vai quỷ quái hay các linh hồn, các nét vằn vện trên mặt cho các vai hung tợn bạo tàn… Vẽ mặt nạ trong Tuồng có thể nói là một nghệ thuật hội họa độc đáo mang lại nhiều mỹ cảm cho người xem.
Diễn xuất của tuồng mang đậm lối diễn xướng có tính cách điệu và biểu trưng của diễn xướng dân gian, nhưng tính cách điệu ở đây không tùy tiện mà có chuẩn mực.
Sân khấu tuồng thường được thiết kế và vẽ cảnh trong nội triều, phong cảnh núi rừng vừa giản đơn nhưng phù hợp với nghệ thuật dân gian, gần gũi với quần chúng và khán giả từ bình dân đến bác học.
Tính cách điệu, tính biểu trưnglà đặc trưng quan trọng của Tuồng. Tính cách và thần thái của nhân vật được lột tả và khắc họa bằng thủ pháp khoa trương, cách điệu, từ lối đi đứng, vũ đạo, lời ca, giai điệu và các động tác hình thể khác, đặc biệt hỗ trợ cho diễn xuất của nhân vật còn có mặt nạ. Mặt nạ là cách để diễn tả sâu sắc cái thần thái của nhân vật. Với tính cách điển hình, nhất quán từ khi bắt đầu cho đến cuối vở diễn, nhân vật luôn luôn được vẽ một mặt nạ mà chỉ cần nhìn nó người xem có hiểu biết đã dễ dàng nhận ra nhân vật ấy là tốt hay xấu, thiện hay ác.
Một cảnh trích đoạn tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc” trong vở tuồng “Hồ Nguyệt cô hóa cáo” của tác giả Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu.
Mọi động tác đều đã có quy chuẩn thành thông lệ hay ước lệ: Mở cửa thế nào, phi ngựa ra sao, múa thương thế nào… đều có các bộ riêng dành cho từng tính cách nhân vật. Ví dụ người trung hậu vuốt râu một cách rất khoáng đạt, kẻ gian thần vuốt râu tỉa tót như từng sợi một; diễn viên nào ra sân khấu từ cánh gà phải (sinh môn) thì dù có bao khó khăn gian khổ, bao kẻ hãm hại đều sống đến cuối vở. Ngược lại, diễn viên nào ra sân khấu từ cánh gà bên trái (tử môn) thì luôn luôn chết trước khi vở tuồng kết thúc.
Nhân vật Châu Thương (Châu Sương) trong vở tuồng Đào Phi Phụng của tác giả Đào Tấn.
Không gian và thời gian cũng được tái hiện trên sân khấu bằng thủ pháp cách điệu một cách tài tình. Tuồng không quan tâm đến việc bài trí sân khấu để tạo ra không gian như các môn kịch nghệ khác. Không gian và thời gian kịch sẽ xuất hiện cùng nhân vật. Ví dụ nếu nhân vật diễn những động tác trèo đèo lội suối vất vả thì khán giả sẽ tưởng tượng sân khấu lúc ấy là rừng núi, suối đèo; ánh đèn sân khấu mờ đi, rồi sáng lên ba lần tức là anh ta đã trèo đèo, lội suối ba ngày đêm rồi. Thủ pháp tái hiện không gian và thời gian độc đáo này nó làm cho vở diễn có sự tham gia tích cực của người xem. Chính trí tưởng tượng của người xem đã hoàn thiện câu chuyện mà diễn viên đang kể trên sân khấu. Đặc trưng này đã tạo cho Tuồng có những khán giả say mê đến cuồng nhiệt, nếu họ xem và hiểu kỹ được vở diễn.
Chân dung Đào Tấn - Hậu tổ tuồng Bình Định.
Một đặc trưng quan trọng nữa của Tuồng cổ là cósự dẫn dắtngười xem. Vai trò dẫn dắt này được giao cho người cầm trống chầu. Đó là một quan chức hay một người am hiểu về Tuồng. Người này còn đóng vai trò như một giám khảo của đêm diễn. Nếu diễn viên nào diễn hay, ông ta sẽ đánh lên mặt trống dể khen. Trống thúc dồn thì tức diễn rất hay, người xem theo đó vỗ tay nhiệt liệt; diễn dở ông ta đánh lên cạnh trống để chê. Nhờ có sự dẫn dắt của vị cầm chầu mà người xem được giáo dục cách cảm thụ vở diễn một cách gián tiếp, nhưng thường xuyên.
Tuồng có nhiều vở kinh điển nhưSơn Hậu,Nữ tướng Đào Tam Xuân,Triệu ĐìnhLong cứu chúa,NghêuSòỐcHến… Một số hoạt cảnh nổi tiếng nhưÔng già cõng vợchơi xuân,Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo,Ngũ biến… đã từng là niềm say mê của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Là một di sản văn hóa có chiều dài lịch sử, Tuồng đã kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo đáng trân trọng. Tuồng thực sự là một nghệ thuật cổ truyền chứa đựng những tinh túy, tạo nên bản sắc của văn hóa dân tộc. Nếu thế hệ chúng ta không giữ gìn, giáo dục cho con cháu biết yêu cái đẹp của Tuồng, ham mê nghệ thuật độc đáo này, chắc chắn chúng ta đã có tội với cha ông. Hy vọng một ngày gần đây vẻ đẹp đích thực của Tuồng sẽ lại tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu dân tộc.
Th.S Bùi Xuân Mỹ/DDVN