Tổng thống Mỹ sẽ không thể 'thư giãn' khi đến Ba Lan
Quốc tế - Ngày đăng : 07:12, 06/07/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến công du2 nước châu Âu với hy vọng sẽ có một điểm dừng chân ngắn nhưng ấm áp ở Ba Lan trước khi đối mặt với những căng thẳng và toan tính tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Đức.
Ông Donald Trump đã đến Warsaw vào tối thứ Tư với lịch trình gói gọn trong vỏn vẹn 16 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, ông có một bài phát biểu quan trọng với người Ba Lan tại Quảng trường Krasinski, nơi có đài tưởng niệm nạn nhân của những người tham gia cuộc nổi dậy ở Warsaw vào năm 1944 chống lại Đức quốc xã.
Ông Donald Trump cũng đã lên kế hoạch hội đàm với lãnh đạo Ba Lan và Croatia và có thể tổ chức một cuộc họp báo chung - lần đầu tiên khi ông ra nước ngoài - với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ông cũng có cuộc gặp với lãnh đạo của một chục quốc gia giáp với biển Baltic, Adriatic và Biển Đen. Đây là nhóm nước tham gia Sáng kiến Tam hải. Nhóm này được mở ra với mục đích giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và giờ họ coi Mỹ là cứu cánh.
Ngay trước khi gặp Tổng thống Mỹ, ông Duda đã phát biểu trên đài truyền hình Ba Lan TVN24 rằng ông muốn giải quyết những vấn đề cụ thể như an ninh năng lượng trong cuộc gặp với Donald Trump, chứ không nói khơi khơi về "an ninh thế giới". Trước đó, ông Donald Trump cũng dành cả tuần để nghiên cứu chuyện sản xuất năng lượng của Mỹ để phục vụ cho cuộc gặp người Đông Âu.
Ông Donald Trump cũng sẽ phải toan tính rất nhiều trước cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Sáu tới. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh quan hệ 2 nước đang ở mức thấp nhất. Tổng thống Mỹ tỏ ra không muốn áp dụng một đường lối cứng rắn hơn đối với Nga nhưng ông lại chịu ánh mắt dò xét của người Mỹ sau kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Moscow đã thao túng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để Donald Trump hưởng lợi.
Cần phải tỏ thái độ thế nào để không khiến các nước trong Sáng kiến Tam hải khỏi thất vọng khi đặt niềm tin vào Mỹ là một chuyện. Thế nhưng chuyện khác ông Donald Trump cũng phải có thái độ để không thêm củi vào lò trong lúc căng thẳng với Nga đang sôi sục. Nếu chỉ cần để vấn đề đi lệch một bên, thì dù là bên nào cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ của Mỹ trên trường quốc tế.
Chuyến thăm châu Âu lần này của ông Donald Trump không chỉ can hệ đến lợi ích nước Mỹ mà còn vớichính ông Donald Trump. Ông Donald Trump cần phải vượt qua các bài kiểm trađể chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo xuất sắc của nước Mỹ.
Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew về thái độ đối với ông Donald Trump ở hơn ba chục quốc gia cho thấy chỉ có dưới 30% tỏ ra tin tưởng với khả năng của ông Donald Trump trong giải quyết vấn đề quốc tế. Chuyến công du trước đó của ông Donald Trump đã không tạo được nhiều ấn tượng, trong đó có bài phát biểu cứng rắn với các thành viên NATO kêu gọi họ chi tiêu nhiều hơn cho lực lượng vũ trang, hay một cái bắt tay không đúng chuẩn mực với tổng thống Pháp, và cả khoảnh khắc bị camera chộp khi ông Donald Trump đẩy lui thủ tướng Montenegro để có vị trí đẹp trước dàn phóng viên ảnh.
Ông Donald Trump đẩy Thủ tướng Montenegro
Ngay cả chuyến thăm Ba Lan lần này cũng không hẳn là thư giãn và nghe những lời tán tụng mà nó có thể giúp ông Donald Trump thành hay bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào 2020. Đừng quên ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống là nhờ thắng ở các bang chiến trường như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, nơi có hàng trăm nghìn cử tri Mỹ gốc Ba Lan.
Ngoài vấn đề năng lượng ở Đông Âu, ông Donald Trump sẽ phải đương đầu với căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi đầu tuần. Khi được hỏi trong lúc ông Donald Trump rời Nhà Trắng, ông sẽ làm gì đối với Triều Tiên, ông Donald Trump chỉ nói: "Chúng tôi sẽ làm rất tốt".
Hiện ông Donald Trump vẫn đang tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc đối phó với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông Donald Trump đã thể hiện sự mệt mỏi trên Twitter khi viết rằng: "Chúng tôi đã phải làm việc quá nhiều với người Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn phải thử tiếp 1 lần nữa".
Lần thử này sẽ diễn ra tại Đức. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong số ít nhất 9 nhà lãnh đạo mà ông Donald Trump dự kiến sẽ gặp mặt vào cuối tuần ở Đức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh cũng không lấy gì làm thoải mái khi Mỹ vừa tiến hành trừng phạt thương mại nhắm vào một ngân hàng ở Trung Quốc do liên quan đến vấn đề Triều Tiên, và Bắc Kinh đã phản ứng rất gay gắt.
Trước khi gặp ông Donald Trump thì ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin để khẳng định họ sát cánh nhau trong vấn đề quốc tế như Triều Tiên kèm theo khẳng định: "Quan hệ Nga - Trung đang tốt đẹp hơn bao giờ hết".
A.T