Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:30, 06/07/2017

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Việc bảo vệ nó tưởng chừng như đơn giản, nhưng trên thực tế, sự vi phạm trong thời gian qua có thể nói là đang tràn lan, trở thành mối lo cho xã hội. Việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thực sự khó khăn trong kỷ nguyên internet này, khi mà thông tin được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái “nhấp” chuột máy tính, rất nhiều thông tin đời tư cá nhân đáng ra phải được bảo vệ bị phơi bày. Những người có thông tin cá nhân, hoặc người thân của họ bị tiết lộ đôi khi gặp quá nhiều rắc rối trong cuộc sống, khi kẻ xấu sử dụng thông tin của họ nhằm thực hiện hành vi phi pháp…

Trong thời đại công nghệ số hóa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng để sử dụng vào những mục đích khác nhau, đã dần trở nên quen thuộc. Việc làm này một mặt giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội, nhưng mặt trái của nó là tồn tại những nguy cơ bị người khác đánh cắp thông tin để thực hiện những hành vi trái pháp luật như giả mạo bạn bè, người thân để lừa đảo, làm giả thẻ ngân hàng…

Bên cạnh đó, không khó để tìm kiếm được trên mạng thông tin cá nhân, những bí mật gia đình, đời sống tình cảm riêng tư của một số chính trị gia, diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng, thậm chí là những ồn ào xung quanh vụ scandal trong giới showbiz. Chưa bàn tới việc những thông tin này khi đăng tải có được sự cho phép của người trong cuộc hay không, việc công khai những thông tin đó có thể dẫn đến tổn hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân người đó. Chính vì thế, việc biết được những thông tin cá nhân của mình có được pháp luật bảo vệ hay không, phạm vi thông tin cá nhân được bảo vệ như thế nào, mức độ bảo vệ ra sao… là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Đây chính là những quy định của pháp luật “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, một trong những quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được pháp luật dân sự bảo vệ.

Quyền được bảo vệ đời tư trước hết được đề cập tại Điều 12 Tuyên bố quốc tế về Nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 đã ghi nhận rằng “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy”. Quyền được bảo vệ đời tư được tái khẳng định tại Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó nêu rằng: Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy. Đây là khuôn mẫu chung cần được đạt đến của mọi quốc gia và mọi dân tộc.

Pháp luật dân sự nước ta cũng đã đề cập đến “Quyền bí mật đời tư”; “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, nhưng qua nghiên cứu thấy rằng những quy định đó chưa cụ thể, rõ ràng nên chắc chắn rằng thực tiễn áp dụng sẽ gặp không ít vướng mắc. Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đi vào phân tích làm rõ nội dung khái niệm “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Khái niệm này có đồng nhất với “Quyền về bí mật đời tư” không?

Điều 38 BLDS 2015, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, được quy định như sau:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
BLDS 2015 đã không tiếp tục sử dụng thuật ngữ “Quyền bí mật đời tư” như quy định tại BLDS 1995 và 2005 mà sử dụng thuật ngữ “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Sự thay đổi này là để phù hợp với quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, nội dung quy định nói trên vẫn chưa đưa ra được khái niệm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Như vậy, mặc dù đã có nhiều thay đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân nhưng hiện nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định hoặc hướng dẫn cụ thể, chi tiết như thế nào là “bí mật đời tư” hay “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Do đó, việc thay đổi thuật ngữ trong BLDS 2015 có làm thay đổi nội hàm của quyền bí mật đời tư của cá nhân không?

Hiện nay, khái niệm về “bí mật đời tư” đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước đưa ra với những lập luận, căn cứ khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Bí mật đời tư có thể được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người, là quyền cơ bản. Đó có thể là những thông tin về hình ảnh, cuộc sống gia đình, tên gọi, con cái, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân mà người này không muốn cho người khác biết. Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ gần gũi với người đó biết và họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai. Bí mật đời tư có thể hiểu là “vùng cấm”; điều thầm kín không thể tiết lộ, tuyệt đối được giữ kín của cá nhân nào đó. Ví dụ: con ngoài giá thú, di chúc, hình ảnh cá nhân, tình trạng bệnh tật, các loại thư tín, điện thoại, điện tín… Thế nên bất cứ ai thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân người khác (không cần phân biệt những thông tin, tư liệu ấy đang được cá nhân đó giữ bí mật hay đã được cá nhân đó để lộ ra) mà không được sự đồng ý của cá nhân đó đều là xâm phạm bí mật đời tư.

Quan điểm thứ hai: Bí mật đời tư của cá nhân được hiểu trên hai phương diện. Một là bí mật về đời sống tình cảm, tinh thần của cá nhân thể hiện tính chất đặc biệt riêng tư của cá nhân đó; theo đó, pháp luật cấm công khai cho mọi người biết các mối quan hệ thực tại hoặc mang tính chất hình tượng mà cá nhân đó vốn có. Hai là bí mật về đời sống nghề nghiệp, vật chất của cá nhân thể hiện là những bí mật về hoạt động nghề nghiệp, tình trạng vật chất gắn liền với hoạt động đó.

Quan điểm thứ ba: Bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận.

Quan điểm thứ tư: Trong hoàn cảnh pháp luật hiện chưa có quy định rõ ràng về khái niệm và phạm vi bí mật đời tư của cá nhân thì xét ở góc độ nghĩa của từ ngữ theo Từ điển tiếng Việt, bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân (thông tin, tư liệu…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Nếu các thông tin, tư liệu cá nhân đã được công khai, lộ ra thì không còn là bí mật đời tư nữa. Do đó, cần hiểu bí mật đời tư của cá nhân là những thông tin, tư liệu mà chỉ mỗi cá nhân đó biết và quyết giữ bí mật. Nếu đó là chuyện diễn ra nơi công cộng, là chuyện mà cá nhân đó đã để lộ ra cho người khác biết thì không còn là bí mật đời tư nữa.

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù các học giả có cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm bí mật đời tư, nhưng các quan điểm vừa nêu có điểm chung là đều coi bí mật đời tư là những thông tin liên quan và gắn liền với chính chủ thể đó, là những nội dung mang tính chất thầm kín của cá nhân và họ muốn giữ bí mật cho riêng họ, không muốn công khai cho người khác biết. Đó có thể là các thông tin liên quan đến các yếu tố như tinh thần, vật chất, các quan hệ xã hội.

Khái niệm “bí mật đời tư” là gì chúng ta chỉ cần đi vào hai khái niệm là “bí mật” và “đời tư”. Theo Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1998, trang 58, “bí mật” được giữ kín không để lộ ra cho người ngoài biết; “đời tư” là một từ Hán Việt, trong đó “đời” ở đây là đời sống, cuộc sống hằng ngày, còn “tư” nghĩa là riêng, thuộc về một cá nhân nhất định. Như vậy, yếu tố đầu tiên để cấu thành “bí mật đời tư” chính là tính bí mật, tức là việc thông tin được giữ kín, không tiết lộ ra bên ngoài.

Tính “bí mật” trong khái niệm “bí mật đời tư” chỉ mang tính tương đối. Điều này có nghĩa là, cùng một nội dung vụ việc có tính chất như nhau, đối với người này có thể là bí mật, nhưng đối với người khác chỉ là một thông tin bình thường, chẳng cần giấu giếm, có thể công khai rộng rãi. Chẳng hạn, cùng là mối quan hệ tình cảm nhưng đối với A thì đây là bí mật đời tư vì A không muốn ai biết mình đã có người yêu. Ngược lại, đối với B thì đây không phải là bí mật đời tư vì B luôn muốn công khai cho mọi người biết tình trạng quan hệ bạn bè khác giới. Nói cách khác, bất cứ cá nhân nào, nhất là người của công chúng như người mẫu, ca sĩ, diễn viên,… xuất hiện ở nơi công cộng (như cách hiểu nói trên) và có lời nói, hành động hoặc không hành động gắn liền với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một sự việc, sự kiện nào đó thì những gì liên quan đến họ không còn là bí mật đời tư nữa. Ví dụ: Người mẫu K nói về chuyện tình cảm riêng tư tại nhà riêng của mình, nếu người khác muốn sử dụng thông tin đó để chia sẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì đương nhiên phải xin phép và nếu được sự đồng ý của K thì mới được đăng tải. Nhưng nếu những thông tin đó, cô người mẫu này công khai với phóng viên báo chí tại buổi dạ hội, trả lời phỏng vấn sau hậu trường hoặc sau chuyến quay ngoại cảnh… thì không còn là bí mật đời tư của cô nữa và nếu người khác thu thập, công bố mà không có ý kiến của K thì không xem là xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân.

Tuy nhiên, không thể hiểu theo hướng nếu thông tin được công khai một cách hợp pháp thì không được coi là bí mật đời tư cá nhân. Như trường hợp một phiên tòa giải quyết vụ án ly hôn của người nổi tiếng (ca sĩ, người mẫu, hoa hậu,…), tuy là công khai khi xét xử, nhưng những thông tin trong diễn biến phiên tòa có liên quan đến đời sống riêng tư, có tính “nhạy cảm” của cá nhân thì có được coi là bí mật đời tư của cá nhân không? Có ý kiến cho rằng việc sử dụng thông tin có tính nhạy cảm của cá nhân trong trường hợp xét xử công khai tại phiên tòa không bị coi là xâm phạm bí mật đời tư, hay nói cách khác, những thông tin mà tòa án đã thẩm tra làm rõ trong khi xét xử tại phiên tòa, không còn là bí mật đời tư nữa. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, phiên tòa phải được xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín, nhưng dù không xét xử công khai thì tòa án vẫn phải tuyên án công khai. Do đó, những thông tin này đã mang tính công khai, tức là không thể còn là bí mật được nữa.

Quan điểm khác lại cho rằng, cần phân biệt sự công khai thông tin tại tòa án giữa một vụ án dân sự với một vụ án hình sự. Trong vụ án hình sự, những thông tin đó liên quan đến người phạm tội, họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và chịu hình phạt do Nhà nước quy định nên những thông tin này có thể được công khai để nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Đối với những thông tin trong vụ án ly hôn nói riêng và vụ án dân sự nói chung, đó là thông tin chỉ liên quan đến bản thân đương sự, không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hay lợi ích của người khác nên các đương sự có quyền không công khai những thông tin này. Trường hợp này, việc họ phải khai báo công khai tại tòa án không đồng nghĩa với việc mất tính bảo mật của thông tin đó.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, tức là trong vụ án dân sự thì việc tòa án xét xử công khai không làm mất đi quyền của cá nhân đối với bí mật đời tư. Bởi lẽ, mục đích của việc xét xử công khai là để mọi người hiểu được tại sao tòa án lại phán xét như vậy, đánh giá sự phán xét của tòa án có hợp tình, hợp lý không, chứ không phải với mục đích công khai thông tin đời sống riêng tư cá nhân của các bên. Mặt khác, trong trường hợp này, việc người tham dự phiên xét xử biết được nội dung thông tin nằm ngoài ý muốn của người trong cuộc, do đó, không làm mất đi quyền của cá nhân đối với những thông tin riêng tư này. Như vậy, yếu tố quan trọng nhất để xác định bí mật đời tư đó là việc cá nhân có mong muốn giữ bí mật đối với những thông tin này hay không. Kết hợp những khái niệm trên, chúng ta có thể nhìn nhận “bí mật đời tư” thực chất là những thông tin liên quan đến cuộc sống của một cá nhân nhất định mà cá nhân đó thấy rằng cần thiết và mong muốn giữ bí mật.

Quyền bí mật đời tư bao gồm các đặc điểm sau:

i) Quyền được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, sự kiện, hoàn cảnh liên quan đến đời tư của mình và không có nghĩa vụ phải công khai;
ii) Quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác;
iii) Cá nhân và các chủ thể khác không được tự ý tiếp cận và công bố các thông tin về đời tư cũng như không được kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các thông tin điện tử khác của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với khái niệm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có quan điểm cho rằng: đời sống riêng tư là khái niệm rộng, bao gồm những suy nghĩ, những hành động có thể bí mật hoặc không bí mật và có thể bộc lộ cho người khác biết và người khác có thể có nghĩa vụ phải tôn trọng. Còn quyền bí mật cá nhân, bí mật gia đình là khái niệm hẹp hơn, bao gồm những nội dung mà chủ thể đó không cho ai biết và luôn muốn giữ bí mật, pháp luật phải bảo đảm bảo vệ quyền đó của họ.

Theo tác giả,“bí mật đời tư”; “đời sống riêng tư” hay “quyền riêng tư” các khái niệm này là không đồng nhất với nhau. “Đời sống riêng tư” cũng gắn liền với cá nhân, tuy nhiên không phải tất cả các vấn đề thuộc về đời sống riêng tư đều được coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo vệ các quyền này. Trong khi đó, nếu đã được gọi là bí mật đời tư thì đương nhiên thông tin đó phải là thông tin mà cá nhân không muốn tiết lộ ra bên ngoài. Như vậy, nếu hiểu theo cách này, có thể thấy nội hàm của khái niệm “bí mật đời tư” và “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” là khác nhau. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của một số tác giả khác. Theo chúng tôi thì nên nhìn nhận theo hướng đồng nhất nội hàm của “bí mật đời tư” và “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, bởi lẽ:

Thứ nhất, xét cho cùng thì các khái niệm này đều để chỉ những thông tin liên quan đến đời sống của cá nhân mà cá nhân đó có quyền không công bố công khai và người khác phải tôn trọng điều này.

Thứ hai, việc xác định khi nào thông tin cá nhân trở thành bí mật chỉ mang tính tương đối, tức là phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người trong cuộc.

Thứ ba, hiện tại trong quy định của hệ thống pháp luật nước ta chưa có một điều khoản nào quy định hoặc hướng dẫn giải thích cụ thể về những khái niệm này. Do đó, việc hiểu hai khái niệm này theo hướng có nội hàm khác nhau chỉ làm tăng sự chồng chéo, mâu thuẫn trong việc áp dụng của các cơ quan thực thi pháp luật mà thôi. Vấn đề đặt ra ở đây, có phải mọi thông tin thuộc về đời sống của mình mà cá nhân muốn giữ bí mật sẽ trở thành “bí mật đời tư” và được pháp luật bảo vệ hay không? Một số ý kiến cho rằng, những thông tin muốn được coi là bí mật đời tư phải là những thông tin hợp pháp. Đa số ý kiến cho rằng, không nên quá cứng nhắc mà nên có sự linh hoạt để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, một đứa trẻ dưới 14 tuổi mà bị hiếp dâm, việc lên án đối tượng hiếp dâm là đương nhiên, nhưng quá trình điều tra có căn cứ cho rằng nạn nhân đã đồng ý với việc quan hệ tình dục thì cần phải xác định, đấy là do nhận thức của một đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành, chưa thể nhận thức hết được hành vi sai trái mới dẫn đến vi phạm. Vì vậy, trong trường hợp này cần phải bảo vệ lợi ích cho nạn nhân, vì nó có thể còn liên quan đến lợi ích của họ sau này. Đó là lý do vì sao chúng ta cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.

Cần có luật bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Bí mật đời tư tuy được bảo vệ trong Bộ luật Hình sự và BLDS hiện hành nhưng chỉ được viện dẫn khi có “thiệt hại” của nạn nhân chứ chưa quy định một cách cụ thể, đầy đủ như ai là người có quyền thu thập thông tin cá nhân người khác, trình tự thu thập, lưu giữ, sử dụng, tiết lộ thông tin cá nhân như thế nào? Hơn nữa, theo quy định của BLDS thì cũng thật khó xác định mức độ thiệt hại thực tế như thế nào trong trường hợp bí mật đời tư bị xâm phạm. Đặc biệt, đó là sự thiếu vắng hành lang pháp lý để bảo vệ bí mật đời tư không bị tiết lộ cũng như những chế tài (dân sự, hành chính và hình sự) áp dụng đối với ngay cả những trường hợp không có thiệt hại xảy ra nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của công dân cũng như mang tính giáo dục chung.

Với cách tiếp cận các vấn đề đặt ra từ sự đòi hỏi khách quan thực tiễn cuộc sống, sự cần thiết có một đạo luật về bí mật đời tư dựa trên những nguyên tắc cốt lõi nhất định sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, góp phần tích cực bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các cá nhân trong cộng đồng. Luật về bí mật đời tư có thể gồm một số nội dung chính sau đây:

Mục đích của việc thu thập thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân chỉ được thu thập cho một mục đích hợp pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của người thu thập thông tin. Ví dụ như các quan tòa thu thập thông tin của bị cáo cho mục đích xét xử. Điều tra viên không được thu thập thông tin của bị can với mục đích gì khác, mà chỉ khi cần thiết cho hoạt động điều tra.

Nguồn của thông tin cá nhân

Thông tin được thu thập từ chính cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin hoặc người thu thập thông tin có thể thu thập ở các nguồn khác, khi có căn cứ cho rằng thông tin đó đã có sẵn trên thông tin đại chúng, hoặc cá nhân bị thu thập thông tin đã ủy quyền cung cấp thông tin cho người khác, hay những trường hợp như để phục vụ cho quá trình điều tra, phát hiện, buộc tội người phạm tội, bảo vệ lợi ích công cộng…

Thông báo cho người bị thu thập biết về việc thu thập thông tin

Việc thu thập thông tin phải đảm bảo cho cá nhân bị thu thập thông tin biết về việc thông tin của họ đang bị thu thập. Ngoài ra, người bị thu thập thông tin cũng được biết về mục đích của việc thu thập thông tin, tên, địa chỉ của người thu thập và người sẽ giữ thông tin đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người thu thập thông tin không cần phải thông báo cho người bị thu thập thông tin để bảo vệ lợi ích công cộng, hoặc có lý do chính đáng cho rằng việc thông báo sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng của mình theo quy định của pháp luật.

Phương thức thu thập thông tin

Thông tin cá nhân không được thu thập theo những cách không hợp pháp, chẳng hạn như: đặt máy quay phim bí mật trong nhà người khác, với những cách thức thu thập thông tin như vậy, thông tin đó cũng sẽ không được sử dụng (chẳng hạn như dùng làm chứng cứ tại phiên tòa).

Lưu giữ và bảo vệ thông tin cá nhân

Người nắm giữ thông tin phải đảm bảo rằng thông tin đó được bảo vệ bằng những biện pháp thích hợp trong phạm vi quyền hạn của mình, để tránh thông tin được lưu giữ bị thất thoát, sử dụng sai mục đích, sửa đổi hay tiết lộ, loại trừ những trường hợp được luật quy định (theo yêu cầu cung cấp thông tin của tòa án…).

Tiếp cận, sửa chữa thông tin của người bị thu thập thông tin

Người bị thu thập thông tin được quyền yêu cầu người lưu giữ thông tin xác nhận về việc lưu giữ thông tin và họ có quyền tiếp cận cũng như yêu cầu sửa chữa những thông tin sai lệch về họ. Theo yêu cầu của người bị thu thập thông tin, người lưu giữ thông tin theo thẩm quyền của mình phải thực hiện các bước để sửa chữa những thông tin sai lệch đó.

Kiểm tra tính chính xác của thông tin trước khi sử dụng

Người giữ thông tin không sử dụng thông tin được thu thập nếu không thực hiện các cách thức hợp lý để xác định thông tin đó có chính xác hay không, đã được cập nhật đầy đủ và phù hợp với mục đích của việc sử dụng nó chưa.

Những giới hạn của việc sử dụng, tiết lộ thông tin cá nhân

Người giữ thông tin chỉ được sử dụng, tiết lộ thông tin theo mục đích mà thông tin được thu thập. Chỉ được sử dụng, tiết lộ cho mục đích khác trong những trường hợp sau:

- Thông tin có sẵn trên thông tin đại chúng.

- Khi được phép của người bị thu thập thông tin.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng, tiết lộ thông tin đó để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố người phạm tội.

- Nhằm bảo vệ lợi ích công cộng.

- Việc sử dụng, tiết lộ thông tin đó cho mục đích khác là cần thiết để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra như tới sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia, tính mạng hay sức khỏe của người bị thu thập thông tin hoặc người khác.

- Thông tin được sử dụng, tiết lộ dưới hình thức mà không thể nhận ra đó là thông tin của người bị thu thập thông tin.

Tất nhiên, quyền bí mật đời tư - quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình không phải là quyền tuyệt đối mà đôi khi nó cũng bị chồng lấn bởi quyền tiếp cận thông tin của người khác hay vì lợi ích công cộng nhưng nhà nước cũng phải đảm bảo những quyền này được pháp luật bảo vệ hữu hiệu, bởi vì đó là lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Ths. LS Lê Văn Sua (theo LSVN)

1