Ông Trump mạnh miệng chỉ trích Nga trước cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin

Quốc tế - Ngày đăng : 11:34, 07/07/2017

Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh miệng chỉ trích Nga trước cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin, trước khi hai ông gặp nhau lần đầu tiên ngày 7.7 tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức).

Trong chuyến thăm Ba Lan ngày 6.7, Tổng thống Mỹ chỉ trích những hành động quân sự của Nga ở Ukraine và Syria, ca ngợi NATO giữ vai trò chủ đạo bảo vệ châu Âu khỏi bị xâm lược.

Tối 6.7, ông Trump nói chuyện với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng cần “tái nạp năng lượng” cho Thỏa thuận Minsk vốn kêu gọi ngưng bắn giữa quân đội Ukraine với quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine và tìm một giải pháp hòa bình.

Trước đó, phát biểu trước hàng ngàn người Ba Lan phấn khích tại quảng trường Krasinski ở thủ đô Warsaw, ông Trump hy vọng Nga sẽ thay đổi cách hành xử:

“Chúng ta kêu gọi Nga ngưng các hoạt động gây bất ổn ở Ukraine và những nơi khác, ngưng ủng hộ các chế độ thù địch gồm Syria và Iran, và thay vào đó, Nga sẽ tham gia cộng đồng các quốc gia có trách nhiệm chống những kẻ thù chung và bảo vệ nền văn minh”.

Chưa thể biết ông Trump sẽ nói cứng với ông Putin hay không, nhưng chắc chắn ông sẽ thách thức lãnh đạo Nga, về việc quân đội Nga hỗ trợ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Mỹ và các đồng minh đang đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, rất có thể xảy ra chuyện xung đột với quân Nga và quân đội Syria.

Lúc đầu làm Tổng thống, ông Trump từng hy vọng cao rằng Nga sẽ cùng Mỹ tiêu diệt bọn IS ở Syria và Iraq, không cho chúng lập căn cứ. Ông ca ngợi ông Putin là “lãnh đạo mạnh mẽ” luôn thắng trong những lần nói chuyện với cựu Tổng thống Barack Obama.

Dù chuyện Syria làm xói mòn quan hệ Mỹ-Nga, ông Trump vẫn hy vọng sẽ làm việc với ông Putin. Phát biểu của ông tại Ba Lan xem ra vẫn muốn kết nối với ông Putin, để không dập tắt mọi cơ hội đạt được một thỏa thuận.

Trong một động thái chắc chắn làm ông Putin khó chịu, ông Trump hứa thực hiện nguyên tắc phòng vệ chung trong Điều khoản 5 của NATO. Ông trấn an các nước châu Âu đã lo ngại việc ông thôi ủng hộ khối liên minh quân sự này.

Ông Trump cũng có lời như “chọc tay vào mắt” ông Putin, bằng cách khen Ba Lan nỗ lực triển khai một lá chắn phòng thủ tên lửa, một động thái mà Nga sẽ phản ứng mãnh liệt.

Tổng thống Mỹ nói: “Chúng tôi hoan nghênh Ba Lan về quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã qua thử nghiệm, đạt chất lượng tốt ở bất kỳ đâu trên thế giới”.

Một văn bản ghi nhớ đã được chính phủ Mỹ ký đồng ý bán Patriot có cấu hình hiện đại nhất cho Ba Lan.

Tổng trị giá vụ mua bán này không được tiết lộ, nhưng hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Ba Lan muốn ngỏ ý mua 8 hệ thống Patriot trị giá 7,6 tỉ USD, nhằm đối phó việc Nga dàn quân ở vùng biên giới của các nước thành viên NATO.

Nga cũng đã dàn tên lửa Iskander ở vùng biên giới từ tháng 11.2016, càng khiến Ba Lan khẩn thiết tìm sự hỗ trợ từ Mỹ, trong chương trình hiện đại hóa quân đội kể từ năm 2023.

Tên lửa đất đối không S-400 và Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân được dàn ở vùng Kaliningrad thuộc Nga và giáp Ba Lan. Khu vực này là điểm cực tây của Nga, được phòng thủ mạnh từ sau những căng thẳng năm 2014.

Nga cũng đang tìm cách tăng tầm bắn của tên lửa lên, còn hiện là từ 400 đến 400 km.

Điện Kremlin từ chối bình luận vụ Ba Lan mua Patriot. Người phát ngôn Dmitri Peskov của Nga nói nó sẽ không là đề tài nói chuyện giữa Tổng thống Putin với ông Trump.

Nhưng hãng tin Sputnik dẫn lời chọc quê vụ mua Patriot này của nghị sĩ Nga Andrei Golovatyuk: công nghệ này sẽ lạc hậu vào lúc Ba Lan nhận hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Ông nói: “Tôi nghi hệ thống này có thể ngang ngửa với Iskander của chúng ta, vì những đặc trưng của Iskander mà Patriot không thể ngăn chặn được”.

Kim Hương (theo Washington Times)

Trần Trí