'Ông lớn' dầu khí tính xin tiền giải quyết 5 'đứa con' thua lỗ nghìn tỉ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:19, 08/07/2017

Trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu tới 5 dự án. Những dự án này đều có quy mô từ 80-400 triệu USD.

Khó giải quyết vì không có tiền

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện có 5 dự án thua lỗ cần xử lý là: Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex).

Liên quan đến tình trạng và phương hướng xử lý 5 dự án thua lỗ của PVN, Bộ Công Thương chiều 7.7 đã có cuộc họp riêng với lãnh đạo PVN để có giải pháp xử lý triệt để.

Báo cáo trước lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, tập đoàn đã nghiêm túc triển khai phân công nhiệm vụ cụ thể xử lý đối với từng dự án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế tài chính nên chưa được triển khai hiệu quả.

Theo ông Sơn, 3 "điểm nghẽn" chính tại các dự án hiện nay là việc quyết toán hợp đồng EPC của các dự án,hợp đồng của mỗi dự án lại có đặc thù riêng,việc quyết toán liên quan đến đối tác nước ngoài cũng như bên ngoài PVN...

Với Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ và Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất, PVN đã có hướng xử lý làquyết định đóng quyết toán hợp đồngnhưngcần sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ. Đặc biệt, dự án cần vốn vay của ngân hàng, nếu không có sự chỉ đạo của Chính phủ thì việc thanh toán hợp đồng và tái cơ cấu khoản vay sẽ là vấn đề lớn.

Trong khi đó, nếu khởi động lại 5 dự án, ông Sơn cho rằng hiện các dự án đang trong tình trạng khó khăn, dòng tiền và chi phí đều không còn nên để triển khai thì phải có tiền. Song vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn nhà nước để phục vụ cho các dự án.

"Mọi dự án đều có phương án triển khai nhưng đều cần sự phê duyệt tài chính của Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án tài chính", ông Sơn nói.

Còn với phương án thuê tư vấn đánh giá tài sản, xây dựng phương án thoái vốn thì lãnh đạo PVN cho là phương án tiêu cực và không mong muốn, song vẫn đòi hỏi phải có chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ điện nước cho dự án với thời gian từ 18 tháng đến 2 năm. Đơn cử như Dự ánxơ sợi Đình Vũ mất 2 năm đã "ngốn" tới hàng trăm tỉ đồng.

Đối với Dự án xơ sợi Đình Vũ, ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc PVN cũng cho rằngkhó khăn nhất là vốn. Nếu 2 cổ đông là PVN và Đạm Phú Mỹ được cấp bổ sung vốn cho khởi động lại PVTex thì đó là “tháo gỡ căn cơ” bên cạnh hàng loạt cơ chế khác.

Nhìn chung vướng mắc xử lý 5 dự án trên vẫn là nguồn tài chính, song ông Ninh Văn Quỳnh - Phó tổng giám đốc PVN nhận thấy những người trực tiếp tham gia xử lý các dự án đều muốn có tiền, nhưng ngay trong nội bộ tập đoàn cũng lo ngại sẽ vi phạm pháp luật khi sử dụng nguồn vốn của PVNbởi đâylà doanh nghiệp100% vốn nhà nước. Điều này dẫn đến hệ quả là hầu hết dự án đều xin bán, chuyển nhượng vốn, thoái vốn nếu không có cơ chế xử lý.

Nhà nước không đổ thêm tiền

Sau khi lắng nghe ý kiến từ phía PVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ghi nhận khó khăn chung của 5 dự án là tài chính. Tuy nhiên,Thứ trưởng vẫn khẳng định Nhà nước không bỏ thêm vốn.

Do PVN không phải doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên Thứ trưởng cho rằng tập đoàn sẽ có nhiều nguồn vốn, giải pháp xử lý. Nếu đầu tư dự án thua lỗ có thể trích lập quỹ dự phòng. Nếu về sau dự án không triển khai tiếp, phá sản và bán chuyển nhượng thì thu một phần chi phí bỏ ra từ dự án đó.

Do đó, với tất cả dự án này, ban chỉ đạo đưa ra phương án ưu tiên là khởi động lại dự án, sau đó mới thoái vốn. Với các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần thì họp cổ đông, bàn hướng tiếp tục bổ sung vốn để xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.7.

Đưa ra phương án cụ thể cho từng dự án, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ, với dự án Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Riêng dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước, PVN và phía nhà máy cần làm việc với đối tác để sớm khởi động lại dự án, bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.

Với Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, thống nhất phương án dừng dự án và tiến hành phá sản công ty. Đồng thời đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình dừng và phá sản này.

Với Dự án xơ sợi Đình Vũ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án đưa ra là hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại dự án, sau đó thực hiện chuyển nhượng vốn.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất được lựa chọn phương án cho phá sản. Vềviệc quyết toán con tàu 104.000 tấn, do giá trị nhà máy và đối tác đưa ra chênh lệch khá lớn nên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo Vụ Tài chính (Bộ Công Thương) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu PVN sớm xây dựng hai phương án: Thứ nhất là phương án như đã quyết định ở trênvới điều kiện cho phép cổ đông bỏ vốn xử lý khó khăn. Thứ hai là nếu như cổ đông không được bỏ vốn thì chấp nhận phương án đàm phán hoặc phá sản ngay từ đầu.

5 dự án thua lỗ của PVN

Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) có vốn đầu tư 7.000 tỉ đồngnhưng liên tục lỗ. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỉ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỉ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỉ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải "đắp chiếu", đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, sau đó bị đội lên thành gần 2.500 tỉ đồng. Sau khi PVC dừng thi công, dự án “đắp chiếu” nhưng chi phí phát sinh từ tháng 12.2011 đến tháng 12.2014 là 392 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) cótổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn gần 1.900 tỉ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng. Nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 164 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Đến tháng 3.2013, nhà máy hoàn thành nhưng chỉ hoạt động được 5 đợt, sản xuất hơn 16 triệu lít xăng ethanol. Giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4.2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng cho các khoản khấu hao tài sản, lãi vay, bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí bộ máy.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất là dự án từ Vinashin chuyển về cho Tập đoàn Dầu khí quản lý từ năm 2010 khi Vinashin bên bờ vực phá sản. Dự án được Vinashin thành lập từ 2006. Theo báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao về PVN (30.6.2010), Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) có lỗ lũykế lên tới 1.235 tỉ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỉ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.

Tuyết Nhung

tuyetnhung