Hiệp hội Tôm Bình Thuận lên tiếng vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra biển

Sự kiện - Ngày đăng : 10:09, 08/07/2017

Lo ngại việc nhận chìm bùn, cát ở biển sẽ có tác động lớn đến nghề nuôi tôm giống, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã kiến nghị 3 vấn đề khi dự án nhận chìm được triển khai.

Ngày 7.7, Đoàn công tác của Bộ TN-MT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để công bố thông tin chính thức về việc cấp giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) được nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra biển.

Theo đó, đại diện Bộ TN-MT cho biết, sau khi nhận Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m³ bùn, cát ra biển của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, đơn vị đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Hải dương học, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Ngày 23.6, Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm ra biển gần 1 triệu m³ vật liệu nạo vét thu được từ việc thi công vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ của nhà máy. Vật, chất được phép nhận chìm thuộc danh mục được nhận chìm ở biển gồm: 20% là bùn, 80% là cát, sỏi, vỏ sò… Khu vực nhận chìm có diện tích 30ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 8km. Phương tiện nhận chìm là các xà lan phễu chuyên dùng, nhận chìm theo hình thức mở đáy xà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật, chất nhận chìm. Việc nhận chìm cho phép tiến hành từng bước, dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ môi trường biển của các đơn vị liên quan.

Cùng ngày, tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của hội viên khi việc nhận chìm vật, chất của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân được triển khai. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận cho biết, vùng biển Vĩnh Tân hiện là nơi nuôi tôm giống tốt nhất tỉnh Bình Thuận, hàng năm cung cấp cho thị trường cả nước khoảng 25% sản lượng. Lo ngại việc nhận chìm bùn, cát ở biển sẽ có tác động lớn đến nghề nuôi tôm giống, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã kiến nghị 3 vấn đề khi dự án nhận chìm được triển khai gồm: Trước khi thực hiện phải có quan trắc môi trường; khi triển khai kế hoạch giám sát phải có chương trình bồi thường, thống nhất các tiêu chí bồi thường; sau khi xảy ra sự cố chủ đầu tư phải cam kết là người trực tiếp bồi thường.

Nguyễn Tiến (báo SGGP)

1