Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:55, 10/07/2017

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỉ USD, tăng 51,2% trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỉ USD. Thâm hụt thương mại Việt Nam-Hàn Quốc ở mức 15,9 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỉ USD từ Trung Quốc.

Chiều 10.7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2017.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của ASEAN, tức là không còn tăng trưởng nhanh như các năm trước. Hiện nay, Lào, Campuchia, Myanmar… dần vươn lên dẫn đầu về tăng trưởng.

Tuy vậy, kinh tế quý 2/2017 cũng hồi phục rõ nét với mức tăng trưởng 6,17% nhờ sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, ngoại trừ khai khoáng, các ngành còn lại trong khu vực công nghiệp – xây dựng đều tăng trưởng khả quan, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Thành, mặc dù đã có sự phục hồi trong quý 2 nhưng các chỉ báo lạicho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung.

“Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017”, ông Thành nêu.

Viện trưởng VEPR nhận địnhdù suy giảm trong nửa cuối năm 2016, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

“Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài Nhà nước thậm chí đã giảm tuyệt đối trong 6 tháng đầu năm. Những điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng”, ông Thành nói.

Đặc biệt, một điều chưa từng có tiền lệ là quý 2 năm nay ghi nhận việc nhập khẩu tăng mạnh khiến thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỉ USD, tăng 51,2% trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỉ USD. Thâm hụt thương mại Việt Nam-Hàn Quốc ở mức 15,9 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỉ USD từ Trung Quốc. Điều này cùng với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chính phản ánh xu hướng phụ thuộc về thương mại vào một số doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung.

Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, TS Nguyễn Đức Thành cho biết năm 2017 Chính phủ quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo là mức kém khả thi.

Các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng Bộ, ngành (Chỉ thị 24/CT-TTg, 2/6/2017). “Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP”.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”, ông Thành nhấn mạnh.

Báo cáo cũng cho biết, lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong quý 2, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhanh xuống còn 4,30%, 3,19% và 2,54% trong 3 tháng của quý này. Chỉ số giá tiêu dùng các nhóm hàng có sự thay đổi trái ngược nhau. Giá cả nhóm hàng thực phẩm giảm mạnh trong khi các giá hàng hóa dịch vụ công vẫn tiếp tục tăng.

Theo VEPR, lạm phát giảm sâu cũng tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện một số điều chỉnh về giá một số mặt hàng khác, ví dụ như điện. Cụ thể, Thủ tướng đã ký quyết định số 24/2017/QĐ-TTg chophép EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân khi giá đầu vào tăng 3% trở lên thay vì 7% như trước đây. Do đó, khi chi phí đầu vào tăng từ 3-5% thì EVN có thể điều chỉnh giá điện mà không cần báo cáo.

“Về cơ bản, chúng tôi cho rằng điều này là hợp lý khi EVN có nhiều quyền hạn hơn trong việc điều chỉnh giá điện, giúp giá điện có cơ hội tiến sát hơn tới mức giá thị trường”, VEPR nhận định.

Hoài Phong

Trí Lâm