Độc đáo bán hàng qua 'cáp treo' của người miền Tây
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:22, 11/07/2017
Sản phẩm đầy sáng tạo của dân vùng kinh tế mới
Nếu ai có dịp đến vùng kinh tế mới của xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chạy dọc theo con kênh Thống Nhất qua 2 ấp Sậy Niếu B và Thắng Mỹ,sẽ thấy ngay một hoạt động hết sức lạ. Người dân nơi đây giao dịch mua bán hàng hóa bằng cáp treo. Cả con kênh có chiều dài khoảng chừng 3km, có tới 6 đường cáp treo để mua bán hàng hóa mỗi ngày.
Bà Lê Thị Kim Nghĩa (58 tuổi, bán tạp hóa tại ấp Sậy Niếu B) cho biết, bà thấy hàng xóm làm cáp treo bán hàng cho dân bên kia bờ con kênh Thống Nhất nên 2 năm trước bà làm theo. Bà làm cáp treo loại nhỏ và kéo bằng tay, nên mỗi lần vượt kênh chuyển được số hàng hóa không quá nửa kg.
Người mua nhận hàng
Ở vùng này, tại 2 đầu kênh có 2 cây cầu đúc, rồi thỉnh thoảng đoạn giữa kênh mới có cầu khỉ. Cầu khỉ thì khó đi, mà vào mùa thu hoạch mía hay bị dỡ để ghe mía lưu thông. Từ đó dân bên kia kênh sang tiệm của bà mua khá xa, nên cần cáp treo chuyển hàng sang đó bán.
Ông Ngô Văn Tấn - bán tạp hóa ở ấp Thắng Mỹ, khẳng định, cáp treo là loại hình rất tiện dụng cho việc mua bán nhu yếu phẩm của dân nghèo vùng kinh tế mới, vốn còn hẻo lánh. Loại này phù hợp với điều kiện kênh rạch nhỏ, ít ghe tàu lưu thông, việc đi lại của người dân còn khó khăn.
Trước khi có cáp treo, hễ mỗi lần dân sống bên kia con kênh Thống Nhất mua đồ, ông đều phải chống ghe hoặc bơi xuồng từ bên này sang giao hàng. Rồi ông còn quay thêm vòng thứ 2 nếu có thối tiền.
Những tiệm tạp hóatăng lợi nhuận nhờ bán hàng qua cáp treo
Ở vùng này, có khi mỗi lần “thượng đế” mua 1 món hàng có trị giá chỉ… 1.000 đồng. Đôi khi chi phí vận chuyển còn hơn giá trị của món hàng đã bán. Chính điều đó không mang lại sự tiện lợi cho cả 2 bên. Và đó là lý do cáp treo ra đời.
Ông Tấn mô tả:ông dựng ở 2 bờ kênh Thống Nhất 2 trụ bê tông, rồi cột 1 sợi dây vào 2 trụ này để chịu lực. Sau đó, mắc 4 cái ròng rọc vào 2 trụ bê tông. Trong đó có 2 ròng rọc mắc vào trụ bên này kênh (nơi có tiệm tạp hóa), 1 ròng rọc mắc vào sọt đựng hàng hóa, để khi kéo thì đưa chiếc sọt sang kênh. Còn 1 ròng rọc thì chịu lực phía trụ bên kia kênh.
Luồn 2 dây kéo vào 3 cái ròng rọc và rãnh của bánh xe gắn máy, còn dây chịu lực thì luồnvào ròng rọc mắc với sọt đựng hàng, thế là khi dùng tay quay bánh xe thì hệ thống dây kéo và các ròng rọc chuyển động, đưa sọt chứa hàng hóa từ bờ có tiệm tạp hóa sang bờ kênh bên kia và ngược lại.
Những chiếc ròng rọc làm nên cáp treo
Tiện lợi cho người mua và bán
Ông Tấn chia sẻ, ban đầu ông làm cáp treo kéo bằng tay vượt kênh, gặp nhiều hạn chế. Bởi kéo nó chậm chạp, chở hàng hóa được ít. Sau khi thấy dân Cà Mau dùng cáp kéo ghe ra sông, ông về cải tiến lại đường cáp treo của mình. Ông thay ròng rọc có đường kính 30cm thành 60cm; dây chịu lực từ dây gân sang kẽm và bánh xe loại 600cm xuống còn 300cm.
Việc bán hàng qua cáp treo được nhiều người dân vùng kinh tế mới ấp Thắng Mỹ áp dụng, rất độc đáo và hiệu quả
Cáp treo cũ chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa không quá 1kg. Bởi nặng hơn thì dây chịu lực bị quằn, sọt hàng sẽ chạm mặt nước kênh, làm hư hỏng hàng hóa. Còn cáp treo cải tiến mà hiện nay ông Tấn đang sử dụng thì rất hiệu quá. Ông Tấn nói, cáp treo cải tiến có thể chở tới 15kg hàng hóa, vượt qua con kênh Thống Nhất rộng hơn 30m rất khỏe.
Thời gian vận chuyển hàng hóa cũng rất nhanh. Chỉ cần quay bánh xe chưa đầy 1 phút là hàng đã tới tay khách hàng bên kia kênh. Còn khi bơi xuồng, chống ghe giao hàng phải mất tới 5 phút. Trung bình mỗi ngày ông bán cho khoảng 20 lượt khách bên kia kênh.
Dù là cục nước đá, cây kem, vài cọng hành… giá 1.000 đồng cũng phải bán. Nhưng bán hàng qua cáp treo giảm chi phí vận chuyển rất nhiều so với vận chuyển bằng các phương tiện khác.
Cũng là người sử dụng cáp treo bán hàng qua kênh Thống Nhất, ông Danh Tươi (62 tuổi) kể, con gái thứ tư của ông là chị Danh Thị Hồng Loan (36 tuổi) làm nghề bán bún riêu, hủ tíu, bánh lọt… Trước kia, dân làm ruộng, trồng mía, hay sinh sống trên bờ kênh Thống Nhất đến tiệm của gia đình ông ăn uống rất bất tiện. Bởi họ phải đi xa, hoặc đi cầu khỉ trơn trợt.
Sáu năm nay, gia đình ông lắp cáp treo thì việc mua bán trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Bà Thạch Thị Bảy (vợ ông Tươi) cho hay, lúc mới có cáp treo, khách mua hàng đứng trên bờ kênh réo sang nhà bà. Còn bà thì đứng bờ kênh bên này hỏi lại. Khi việc mua bán chưa quen giá cả, thì 2 đàng đều đứng 2 bên bờ kênh giao dịch.
Ông Tươi tiếp lời, khách đứng bên kia kênh kêu bán tô bún 10.000 đồng, hay 15.000 đồng, thì cũng dưới hình thức kéo dây cáp treo, ông Tươi chuyển những bọc bún đến tay khách hàng rất nhanh chóng. Cứ bên kia nói mua món hàng gì và bao nhiêuthì để tiền vào sọt. Khi bên bán thấy tiền cần thốithì để sẵn tiền thối vào sọt, quay bánh xe giao cả hàng hóa lẫn tiền thối cho khách hàng.
Người bán đặt hàng hóa vào sọt
“Có khi khách mua hàng ban đêm, chỉ cần kêu lên mua cái gì và giá bao nhiêu, vài phút sau hàng hóa đã tới tay người mua. Nếu khách mua mà không bán vì ngại giao hàng ở xa, hay mất công thì từ từ mất khách hết. Thành ra cáp treo này giúp cho người bán không tốn thời gian, chi phí và công sức đi giao hàng. Kể cả ban đêm mua bán vẫn rất thuận lợi. Người mua cũng rất hài lòng”, bà Bảy đánh giá.
Bà Nguyễn Yến Ngọc (ngụ ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) thổ lộ: “Nhà tui cách tiệm tạp hóa anh Tấn con kênh Thống Nhất và ngay đầu cáp treo. Do đó, mỗi lần tui mua cái gì là chỉ cần ở một chỗ kêu, rồi bỏ tiền vào sọt là lát sau có hàng. Cái gì ảnh cũng có bán. Nếu không có cáp treo thì phải đi vòng 500m (đi về) để qua kênh, mới mua được 1 món hàng. Ở nông thôn mà, nhiều khi mấy đứa nhỏ mua cục kẹo cũng phải đi như vậy thì mất thời gian lắm. Có cáp treo tui rất thích”.
Ngọc Thanh