Tỷ giá sẽ chịu áp lực lớn do nhập siêu tăng cao

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:05, 12/07/2017

Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực lớn.

Thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy trong tháng 6.2017, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm.

Tính đến ngày 20.6.2017, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại xoay quanh mức 22.726 đồng/USD, giảm 0,17% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do hiện bám khá sát với tỷ giá của các ngân hàng thương mại, giao dịch ở mức 22.735 đồng/USD, giảm 1,65% so với đầu năm.

Đáng chú ý, USD cũng đã mất giá lên đến 5,1% và hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ của Việt Nam đều tăng giá so với USD. Còn tỷ giá thực hữu hiệu (REER) vẫn mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hai lần trong 6 tháng đầu năm 2017 với những bước điều chỉnh nhỏ hiện chưa gây áp lực đối với tỷ giá.

Đồng quan điểm, tCông ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận địnhdiễn biến tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy sự biến động trái chiều giữa tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại.

Theo kết quả quan sát thị trường của công ty này thìtỷ giá trung tâm đã liên tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng, tuy mức độ tăng qua từng phiên không quá lớn. Tính chung trong 2 quý đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,2% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng lại gần như không có thay đổi nào so với thời điểm đầu năm.

Theo BVSC, diễn biến tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng khá bình lặng và hầu như không thay đổi so với thời điểm cuối năm ngoái. Nguyên nhân là do diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ thế giới và diễn biến cung cầu về ngoại tệ thực tế trên thị trường.

Cụ thể, mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang trạng thái nhập siêu với tổng giá trị ước tính đạt 4,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nhưng bù lại, giải ngân vốn FDI vẫn khá tốt (ước đạt 7,7 tỉ USD).

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng khá tích cực. Chỉ tính riêng giá trị mua ròng của khối ngoại lên thị trường trái phiếu và cổ phiếu hai quý vừa qua ước tính đạt 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, nguồn kiều hối được nhận định vẫn duy trì ở mức khả quan, riêng nguồn kiều hối về TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỉ USD.

Như vậy, tổng hợp các nguồn trên có thể thấy cán cân cung cầu ngoại tệ trên thực tế có xu hướng nghiêng về phía cung, có tác động hỗ trợ cho giá trị VND trong 6 tháng đầu năm.

Với diễn biến khá bình ổn của tỷ giá trong 6 tháng đầu năm, BVSC cho rằng sẽ không có diễn biến nào quá bất thường liên quan đến các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ tham chiếu trong thời gian tới. Công ty này dự báo tỷ giá USD/VND sẽ có mức tăng khoảng 2-3% cho cả năm 2017.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã ở mức 2,7 tỉ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Cùng với đó, xu hướng biến động khó lường của nhân dân tệ và yen Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.

Phan Diệu

Phan Diệu