Cấm cửa cầu thủ nhập tịch, VFF tự mình lấy đá ghè chân

Thể thao - Ngày đăng : 09:02, 12/07/2017

Sau khi Tổng cục thể dục thể thao bật đèn xanh cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển Việt Nam thì VFF lại tự tay đóng sập.

Mới đây, trong cuộc làm việc với giới lãnh đạo LĐBĐ VN để chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á và SEA Games 29, thuyền trưởng tuyển Việt Nam đã không ngần ngại đưa ra quan điểm cá nhân rằng ông muốn có sự phục vụ của các cầu thủ nhập tịch trong đội hình tuyển quốc gia.

Thực tế ở đội tuyển Việt Nam lúc này, HLV Hữu Thắng đang rất thiếu một tiền đạo chất lượng, có thể gánh vác trọng trách ghi bàn thời hậu Công Vinh.

Công Vinh để lại khoảng trống trên hàng tiền đạo TVN. Ảnh Tuấn Tú

Ông thầy xứ Nghệ cũng hơn một lần bày tỏ mong muốn được quyền gọi những cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Khi đó hành trình tìm vé dự VCK Asian Cup 2019 sẽ dễ thở hơn nhiều.

Những chân sút đã nhập tịch Việt Nam, đang chơi cực hay ở V.League nhưHoàng Vũ Samson hayĐỗ Merlo hoàn toàn đáp ứng được điều kiện lên tuyển cả về chuyên môn lẫn pháp lý.

Bản thân hai “họng súng” nói trên với thành tích ghi bàn ở V.League khủng hơn cả Công Vinh cũng tha thiết muốn được cống hiến cho đội tuyển Việt Nam.

Điều quan trọng, cơ quan quản lý của VFF là Tổng cục thể dục thể thao cũng không phản đối chuyện gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển.

“Việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển hay không, theo tôi là do đề xuất của ban huấn luyện, của các đội”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chia vẻ với báo giới. Ông Thắng đồng thời cũng khẳng định Tổng cục "không có ý kiến gì" về chuyện gọi cầu thủ nhập tịch.

Nói ngắn gọn thì đội tuyển đang có thiên thời địa lợi nhân hòa để sử dụng cầu thủ nhập tịch. Quan trọng là VFF có muốn làm hay không thôi.

Mọi khúc mắc đều đã thông, quyết định triệu tập hay bỏ qua sao nhập tịch thuộc về VFF. Một khi VFF đồng ý những cầu thủ to khỏe, giỏi ghi bàn sẽ ở trên tuyển. Tuy nhiên tổ chức này lại không mấy mặn với việc này.

Phó chủ tịch thường trực VFF, Ông Trần Quốc Tuấn

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ quan điểm với báo chí rằng VFF muốn xây dựng một đội tuyển quốc gia có bản sắc, các cầu thủ phải đáp ứng được những nhu cầu về chuyên môn. Câu chuyện bản sắc bao gồm rất nhiều vấn đề như văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác.

Đồng quan điểm với sếp phó VFF, Tổng thư ký Lê Hoài Anh nhấn mạnh: “VFF Muốn cầu thủ có nguồn gốc là người Việt, được đào tạo trong nước hoặc nước ngoài.

Vì chuyện đó còn liên quan tới khía cạnh xây dựng hình ảnh, vì đội tuyển là đại diện cho cả dân tộc. Miễn là các cầu thủ có gốc gác Việt Nam, có ông bà, nội ngoại hay bố mẹ là người Việt, họ có thể lên đội tuyển quốc gia”.

Câu trả lời đã được VFF đưa ra. Họ mở cánh cửa lên đội tuyển cho cầu thủ Việt kiều nhưng lại đóng sập nó với các gương mặt nhập tịch. Lý do đưa ra là họ không có gốc gác Việt Nam, không có bản sắc dân tộc.

Cầu thủ nhập tịchĐỗ Merlo với thể hình và kỹ thuật vượt trội là một tiềm năng của TVN. Ảnh Nguyên Huy

Không ai chọn được cha mẹ và nơi sinh ra nên yêu cầu của VFF coi như chấm dứt tham vọng góp mặt trên tuyển của cầu thủ nhập tịch.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình hội nhập mạnh mẽ thì quan điểm nói không với cầu thủ nhập tịch của VFF rõ ràng đã đi ngược lại xu thế, một sự thụt lùi, tự bó buộc, kìm hãm chính mình.

Ngay cả những đội bóng hàng đầu thế giới vốn không hề thiếu nhân tài vẫn không bỏ qua thời cơ để dung nạp thêm cầu thủ nhập tịch nhằm gia tăng sức mạnh.

Hãy nhìn đội tuyển Tây Ban Nha, nhà vô địch World Cup 2010 và Euro 2012 vốn chưa bao giờ khan ngôi sao vẫn sử dụng thêm tiền đạo nhập tịch gốc Brazil là Diego Costa. Một Costa với tài săn bàn khét tiếng giúp đội bóng xứ đấu bò chẳng khác nào “hổ mọc thêm cánh”.

Trường hợp khác là đội tuyển Đức từng vốn rất kỵ sử dụng cầu thủ da màu trong đội hình. Nhưng đã thay đổi để hái quả ngọt.

Hậu vệ cánhJerome Boateng trong màu áo tuyển Đức

Trung vệ gốc Ghana của vùng đất châu Phi, Jerome Boateng được dung nạp. Khả năng phòng ngự xuất sắc của ngôi sao Bayern này đã góp công không nhỏ trong chức vô địch World Cup 2014 của người Đức.

Nói thế để thấy trong thể thao và bóng đá hiện đại, việc giữ bản sắc không có nghĩa là chỉ được sử dụng nhưng cầu thủ bản đia. Quan điểm sử dụng cầu thủ nhập tịch khiến đội bóng mất đi bản sắc thực sự đã lạc hậu.

Sự pha trộn từ những cầu thủ nhập tịch trong đội không thể ảnh hưởng đến bản sắc của đội bóng. Sự xuất hiện của một vài ông tây cũng chắc chắn không thể làm mất đi bản sắc của đội tuyển Việt Nam.

Quan trọng hơn, điều mà ai cũng thấy là cầu thủ nhập tịch giúp chúng ta gặt hài thành công hơn nếu biết sử dụng hợp lý.

Bóng đá Việt Nam đã phải 'ngậm đắng nuốt cay' ngay trên sân nhà SEA Games 2003 trước người Thái. Ảnh Tuấn Tú

Nên nhớ sau 20 năm hội nhập với bóng đá khu vực, đội tuyển Việt Nam mới chỉ một lần đăng quang tại giải đấu khu vực ngoài chiếc AFF Cup 2008 trên sân nhà.

Chúng ta khao khát đánh bại Thái Lan trong mòn mỏi song vẫn thường phải đón nhận thất bại. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là thiếu một hoặc vài cá nhân đủ sức thay đổi cục diện ở thời khắc mang tính quyết định.

Những ông tây nhập tịch với chuyên môn hơn hẳn, thể lực vượt trội, rõ ràng có thể giải được bài toán này nhanh nhất. Trong cuộc chơi này đội tuyển được nhiều hơn là mất.

Một Hoàng Vũ Samson đầy năng lượng trên hàng công Hà Nội FC có thể giúp ích cho tuyển Việt Nam?. Ảnh Nguyên Huy

VFF luôn đòi hỏi các đội tuyển phải có thành tích tại các giải đấu tham dự nhưng hiện tại chính họ lại ngăn cầu thủ nhập tịch lên tuyển.

Trong khi thế giới hay gần hơn là những đội bóng Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philipenes, Singapore đã đẩy mạnh sử dụng cầu thủ nhập tịch nhiều năm qua thì chúng ta lại đi ngược lại xu thế này.

VFF đang đã tự tay bỏ đi một nguồn cầu thủ xuất sắc, chấp nhận chơi “chấp” tây khi đối đầu những đội bóng sở hữu nhiều gương mặt nhập tịch.

Quyết định của VFF rõ ràng là tự làm khó mình, cất đi thứ vũ khí vẫn được các đối thủ coi là ưu tiên để hướng đến thành tích. Hệ quả là bóng đá Việt Nam nhiều lần thất thế và rất khó bứt lên nếu không chịu thay đổi cách tư duy xưa cũ.

Tuyển Việt Nam luôn thắng Philipines ở thời quá khứ. Ảnh Getty Images

Trong quá khứ, đội tuyển Việt Nam từng dễ dàng bắt nạt đội tuyển Philippines nhưng điều đó đã không còn ở những năm gần đây do họ ưu tiên sử dụng cầu thủ nhập tịch.

Không hề ngoa khi nói Philippines đang dẫn đầu bảng xếp hạng bóng đá khu vực nhờ sở hữu dàn cầu thủ nhập tịch thiện chiến ở nhiều vị trí.

Lo ngại sử dụng cầu thủ nhập tịch gây ảnh hưởng đến sự phát triển của những sản phẩm cây nhà lá vườn cũng là “lo bò trắng răng”. Bởi việc được chơi bóng với những nhân tố nổi bật là cơ hội tốt để học hỏi, trưởng thành hơn.

PCT thường trực LĐBĐVN tham dự một buổi tập của TVN để chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á. Ảnh Tuấn Tú

Gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển không có nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng tràn lan, dùng nguyên cả đội hình gây mất bản sắc về nghĩa đen.

Đó chỉ là điểm xuyết những mắt xích yếu, tận dụng tinh hoa có sẵn để hiện thực hóa tham vọng hướng tới mục tiêu cao. Quyết định không sử dụng cầu thủ nhập tịch, điều mang lại đến cái lợi cho đội tuyển Việt Nam rõ như ban ngay song thật đáng tiếc là VFF lại đang vứt bỏ khi vin vào chuyện bản sắc...

Cao Duy

Bùi Ngọc