Tổng công ty Xây lắp dầu khí làm ra 40 đồng, chỉ lãi được 1 đồng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:51, 12/07/2017

Trong khi doanh thu đạt hơn 1.809 tỉ đồng thì lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt vỏn vẹn hơn 45 tỉ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017, đại diện Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị có giá trị sản xuất kinh doanh đạt hơn 3.233 tỉ đồng, doanh thu đạt hơn 1.809 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 45 tỉ đồng. PVC cũng nộp vào ngân sách nhà nước 137,5 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đạt 10,15 triệu đồng/người/tháng.

Đại diện PVC cho biếtbối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang gâykhó khăn với các đơn vị dầu khí trong lĩnh vực dịch vụ. Giá dầu thô ở mức thấp ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lực và các hoạt động dầu khí, nhiều dự án trong ngành tiếp tục tạm dừng hoặc giãn tiến độ khiến nguồn việc mới của PVC ngày càng thiếu thốn.

Tại Công ty mẹ PVC và các đơn vị thành viên, nguồn việc chủ yếu phụ thuộc vào 2 dự án Nhà máy Nhiệt điệnThái Bình 2 và Nhà máy Nhiệt điệnSông Hậu 1. Mặt khác, cán bộ công nhân viên PVC cũng chịu nhiều ảnh hưởng tâm lý khi phải đối mặt với việc thanh kiểm tra, kết luận của các cơ quan chức năng đối với những tồn tại trước đây của PVC.

Tại Hội nghị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Hùng Dũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC như cần nhanh chóng thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng, từng thành viên phải có nhiệm vụ cụ thể, phải có trách nhiệm cao trong công việc được giao.

Các nhà thầu nếu không đủ năng lực phải thay thế ngay, không trì hoãn để ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các công tác như an toàn, môi trường, gia hạn các hợp đồng, điều chỉnh mức đầu tư… cần phải làm gấp để giải phóng trách nhiệm đối với các nhà thầu. Trong đó, phải nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc phải gia hạn, điều chỉnh các hợp đồng đã ký kết.

PVC trước đây được xem là một trong những những tổng công ty chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi được PVN giao đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ. Hàng chục dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỉ đồng đã và đang được PVN giao cho PVC thi công như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn...

Lúc thuở "sơ khai", đơn vị này chỉ có số vốn điều lệ 150 tỉ đồng. Sau đó, quy mô tăng nhanh đột biến khi được PVN góp vốn bằng tiền mặt và cổ phần của tập đoàn tại các công ty thành viên để tăng vốn lên 1.500 tỉ đồng.

Từ chỗ là "con cưng" của PVN, bỗng chốc PVC trở thành một trong những đơn vị kinh doanh "bết bát" nhất tập đoàn khi phát sinh lỗ hơn 3.200 tỉ đồng trong 2 năm 2012-2013.

Quá trình xuống dốc của PVC được cho là gắn liền với quãng thời gian ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (từ tháng 2.2009 - 5.2013).

Trong năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi xem xét đã kết luận ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều khuyết điểm, vi phạm và người chịu trách nhiệm chính trong khoản lỗ của PVC.

Theo kết luận, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thua lỗ của PVC là do đơn vị này phải trích lập dự phòng đối với một loạt khoản mục như dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh. Có đến 2.800 tỉ đồng, chiếm 85% tổng mức lỗ của công ty mẹ PVC trong 2 năm 2012-2013 là các khoản trích lập dự phòng chủ yếu liên quan đến các công ty thành viên.

Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến thua lỗ là do năng lực quản trị và kinh doanh yếu kém tại PVC và các công ty thành viên, cùng với đó là hàng loạt bê bối, kiện tụng đã xảy ra.

Tuyết Nhung

tuyetnhung