Mừng hay lo khi lãi suất cho vay giảm?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:05, 14/07/2017
Ngày 7.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt, áp dụng từ ngày 10.7. Theo đó, NHNN giảm 0,25%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng... Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm 0,5%/năm.
Tiếp tục giảm lãi suất là không khả thi
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới về chỉ đạo trên, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Kinh tế nói rằng ông đánh giá cao việc giảm lãi suất của NHNN. Theo ông, đây là động thái hợp lý, bởi việc giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay thương mại sẽ giúp mặt bằng lãi suất giảm. Đây là điều tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 6,7% như Chính phủ mong muốn.
“Điều này thể hiện rõ nét thông điệp ngành ngân hàng là chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh với các thị trường khác bao gồm thị trường bất động sản và chứng khoán để thu hút vốn huy động. Đồng thời, ngân hàng cũng đang nỗ lực cho vay để kiếm lời và bù đắp chi phí, trong đó có dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Do đó, giảm lãi suất cho vay trong thời điểm này là một sự cố gắng lớn, góp phần tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sản suất”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng nếu tiếp tục giảm lãi suất là không khả thi, bởi sẽ có thể bùng phát lạm phát, tạo bong bóng trên thị trường bất động sản, chứng khoán. Đặc biệt, khi các ngân hàng “thừa tiền”, rộng tay cho vay thì nguy cơ nợ xấu chắc chắn sẽ trở lại.
Nói về lý do NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay mà không giảm lãi suất huy động, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định thời điểm này, nhiều ngân hàng trung và nhỏ vẫn còn khó khăn tronghuy động vốn. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động. Các ngân hàng cho vay nhiều hơn vốn huy động, thành ra một số ngân hàng vẫn còn rất khó khăn để huy động vốn.
“Nếu bây giờ đẩy lãi suất huy động xuống sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng này. Dó đó, NHNN chỉ có động thái giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn để lãi suất huy động với mặt bằng cũ để huy động vốn”, ông Hiếu nói thêm.
Chuyên gia này dự báo lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên có khả năng giảm thêm từ đây đến cuối năm, nhưng lãi suất mặt bằng chung có lẽ khó giảm vì lãi suất huy động có xu hướng tăng.
Mức giảm thận trọng, khá khiêm tốn
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá việc giảm lãi suất điều hành là điều kiện để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đầu ra, bởi việc hạ lãi suất điều hành sẽ làm giảm chi phí vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng khi vay NHNN.
Thế nhưng, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này là không cao do quy mô các khoản vay NHNN khá khiêm tốn và mức giảm lãi suất còn thấp so với 9 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm 2011 tới nay.
Chưa kể, BSC cho rằng mức giảm 0,25% được đánh giá là "thận trọng" và thấp so với thời gian trước. Trong 9 lần điều chỉnh lãi suất điều hành trước, lãi suất điều hành chủ yếu được điều chỉnh tăng/giảm 1%, riêng tháng 3.2014 là điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất điều hành.
Ngoài ra, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này theo đánh giá của BSC là không cao. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đang đối mặt với áp lực giảm lãi suất đầu ra từ định hướng điều hành và chính sách của NHNN. Lãi suất huy động đầu vào khó giảm tương ứng do áp lực lạm phát và tỷ giá.
Ảnh hưởng nhẹ tới mặt bằng lãi suất
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc điều chỉnh lãi suất lần này sẽ ảnh hưởng nhẹ đến mặt bằng lãi suất chung; tuy nhiên đây là thông tin tích cực.
“Điều này cho thấy sự tách biệt giữa lãi suất của Việt Nam và Mỹ vốn là yếu tố khó đự đoán vào đầu năm. Và với quyết định này, NHNN tỏ ra thoải mái với chính sách tiền tệ”, HSC nhận định.
Công ty này cho rằng về mặt lý thuyết, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu thấp hơn sẽ có lợi cho các ngân hàng vay tiền từ NHNN thông qua kênh chiết khấu hay tái cấp vốn. Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động vốn đầu vào của một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, đặc biệt là Agribank và Vietcombank sẽ thấp hơn.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ có ít ảnh hưởng đến các Ngân Hàng TMCP khi mà lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng gần đây đang ở mức thấp khoàng 2-3% và khó có thể giảm thêm.
Chúng tôi cũng cho rằng việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành cụ thể sẽ có ảnh hưởng vừa phải đến mặt bằng lãi suất cho vay. Một số khoản vay sẽ có lãi suất thấp hơn một chút; khi mà lãi suất ưu đãi hiện nay trong khoảng 6-7%/năm. Ngoài ra, các khoản vay ưu đãi thường thuộc các gói hỗ trợ có hạn chế”, HSC đánh giá.
Trong thời gian tới, HSC dự báo lãi suất bình quân, chủ yếu là lãi suất huy động sẽ giảm trong tháng tới hoặc những tháng sau đó nữa. Lãi suất cho vay bình quân cũng sẽ bị ảnh hưởng với mức độ nhỏ hơn. Động thái này không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay, mặc dù có thể giúp tăng nhẹ tỷ suất lợi nhuận.
Phan Diệu