Lối thoát nào cho hàng triệu ô tô mua theo hình thức trả góp phải thế chấp?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:12, 14/07/2017
Pháp luật không thống nhất
Thời gian gần đây, nhiều chủ xe ô tô mua theo hình thức trả góp và các ngân hàng thương mại đều hết sức lo lắng khi cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt người điều khiển phương tiện không có giấy tờ bản chính.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới,luật sư Kiều Anh Vũ cho biết CSGT xử phạt các chủ xe là đúng luật, bởi vì chủ xe phải có trách nhiệm mang theo Giấy đăng ký xe.
“Vướng mắc ở đây là do các quy định pháp luật không thống nhất và một phần do các ngân hàng đã không hoàn toàn áp dụng đúng quy định của Nghị định 11/2012/NĐ-CP. Có thể nói CSGT xử phạt là hợp pháp, còn ngân hàng giữ bản chính giấy tờ của xe thế chấp cũng hợp lý nhưng rủi ro và không hợp tình đối với bên thế chấp”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, việc giữ giấy tờ tài sản thế chấp sẽ do các bên thỏa thuận. Thông thường, ngân hàng sẽ giữ bản chính giấy tờ của tài sản thế chấp để đảm bảo an toàn pháp lý cho tài sản thế chấp. Tuy nhiên, riêng việc thế chấp đối với ô tô nói riêng và phương tiện giao thông cơ giới nói chung, theo Nghị định 11/2012/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 10.4.2012) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định trường hợp tài sản thế chấp là phương tiện giao thông thì bên thế chấp (chủ xe) giữ bản chính Giấy đăng ký xe. Thực tế do sự thận trọng và để hạn chế rủi ro, các ngân hàng và bên thế chấp vẫn thỏa thuận để ngân hàng giữ bản chính giấy tờ xe.
“Do vậy, khi bị CSGT kiểm tra, người điều khiển ô tô bị thế chấp không có bản chính giấy tờ để xuất trình. Như vậy, nếu trước thời điểm Nghị định 11/2012/NĐ-CP có hiệu lực, ngân hàng nhận thế chấp ô tô và giữ giấy tờ chính của xe thế chấp là đúng luật,nhưng nếu sau thời điểm có hiệu lực của 11/2012/NĐ-CP mà vẫn giữ bản chính giấy tờ, dù là theo thỏa thuận, thì vẫn không phù hợp với quy định của Nghị định này”, ông Vũ nói.
Luật sư Vũcũng nói thêm, dù nghị định này không cho các bên thỏa thuận khác; tuy nhiên ngân hàng có thể viện dẫn quy định của Bộ luật Dân sự - có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định để áp dụng cho thỏa thuận giữa các bên.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, không ngân hàng nào dám thực hiện đúng theo quy định của luật là giao giấy tờ gốc cho khách hàng, bởi vì việc bán trao tay rất dễ dàng,sinh ra kiện cáo. “Chỉ có khác là trước đây ngân hàng đương nhiên được quyền giữ, còn gần đây các ngân hàng lách luật bằng cách có những thỏa thuận riêng bằng xác nhận củakhách hàng tự nguyện giao nộp giấy tờ cho ngân hàng”.
Ông Đức cũng thông tin, hiện trên cả nước có khoảng 1,3 triệu xe ô tô đang là con nợ của các ngân hàng, đồng nghĩa với 1,3 triệu xe không có đăng ký bản chính. Nếu tiếp tục xử phạt những chủ xe không có giấy tờ gốc thì thị trường cho vay mua ô tô sẽ phá sản.
Đâu là giải pháp?
Theo luật sư Kiều Anh Vũ, do quy định pháp luật không thống nhất và một phần chưa theo kịp với thực tiễn đời sống xã hội, do đó cần thống nhất quy định trong trường hợp thế chấp bằng phương tiện giao thông thì ngân hàng có được giữ bản chính hay không, phải minh thị rõ các bên có được thỏa thuận về việc này hay không?
“Về phía ngân hàng, có lẽ họ vẫn muốn quy định theo hướng được giữ bản chính giấy tờ của xe thế chấp. Tôi cho rằng ngân hàng giữ bản chính giấy tờ của tài sản thế chấp cũng là hợp lý để hạn chế rủi ro”, ông Vũ nói.
Do đó, vị này cho rằngcần phải sửa đổi đối với nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông cho phù hợp. Bổ sung rõ trường hợp không mang bản chính giấy tờ xe do xe bị thế chấp thì vẫn được chấp nhận, không bị xử phạt. Tất nhiên phải có chứng cứ chứng minh xe đang bị thế chấp, như bản sao có chứng thực, giấy xác nhận của ngân hàng về việc nhận thế chấp và giữ bản chính giấy tờ xe…
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, tạm thời nên dừng việc xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy tờ gốc. Về lâu dài, phải tính đến việc sửa luật theo hai hướng: cho phép ngân hàng giữ bản chính; hoặc có thể tách ra hai loại giấy là Giấy đăng ký sở hữu do ngân hàng giữvà Giấy lưu hành do khách hàng giữ và xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc, Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cho thấy bên cho vay (ngân hàng) nên được phép nắm giữ giấy tờ gốc vì nó đi kèm với tài sản thế chấp. Cơ quan công an có thể chấp nhận bản sao công chứng và có xác nhận từ phía ngân hàng.
“Nghị định không quy định cụ thể cần phải có giấy tờ gốc hay bản sao công chứng, đấy là một hướng để có thể tháo gỡ, có nghĩa là ngân hàng và công an cần thống nhất với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho bên vay là người tiêu dùng”, ông Lực nói.
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc tháo gỡ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) quy định bên thế chấp phải giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp là ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà băng có thể ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân sẽ không còn cơ hội vay vốn; ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, NHNN cho rằng quy định bên thế chấp phải có bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông đã không còn phù hợp.
Do đó, NHNN đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163 theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ. Đồng thời, trong thời gian chờ, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông.