Luật sư Trương Quốc Hòe: ‘Nên để ngân hàng giữ giấy tờ gốc khi mua ô tô trả góp’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:42, 15/07/2017
Thời gian gần đây, nhiều chủ xe ô tô mua theo hình thức trả góp và các ngân hàng thương mại đều hết sức lo lắng khi cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt người điều khiển phương tiện không có giấy tờ bản chính.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, căn cứ quy định tại Điều 320, 322 của Bộ luật Dân sự 2015 về việc thế chấp tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
“Như vậy, theo các quy định này thì ngân hàng (bên nhận thế chấp) có quyền giữ Giấy đăng ký xe đối với xe ô tô mua bằng hình thức trả góp hoặc trong trường hợpxe ô tô là tài sản đảm bảo cho khoản vay của chủ sở hữu”, ông Hòe nói.
Tuy nhiên, ông Hòe cho biết, Điều 20a Nghị định 163/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) và Công văn số 3851 ngày 24.5.2017 của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng thì trong trường hợp trả góp mua phương tiện giao thông, ngân hàng không có quyền giữ bản chính Giấy đăng ký xe.
Còn Khoản 3 Điều 21 Nghị định 46 thì người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Như vậy, cảnh sát giao thông có quyền xử phạt đối với chủ xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe.
Ông Hòe cho rằng quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP), Công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và Công văn Cục CSGT có sự mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Điều này gây khó khăn cho các chủ phương tiện khi tham gia giao thông vì Giấy đăng ký xe thì ngân hàng giữ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 mà không có giấy đăng ký xe bản chính thì người điều khiển phương tiện bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, vị luật sưcho rằngquy định về việc ngân hàng được quyền giữ giấy đăng ký xe sẽ hạn chế được nhiều rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp cho vay mua trả góp hoặc tài sản thế chấp là phương tiện giao thông.
“Nếu ngân hàng không giữ giấy đăng ký xe thì dễ xảy ra tình trạng chủ phương tiện thực hiện bán tài sản hoặc trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Thậm chí có thể xảy ra trường hợp, một chiếc xe nhưng được dùng làm tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay tại các ngân hàng khác nhau. Thực tế hiện nay, dù nhiều ngân hàng giữ giấy đăng ký xe nhưng rất nhiều chủ phương tiện vẫn bán tài sản đảm bảo và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ”, ông Hòe nói.
Bên cạnh đó, quy định này đảm bảo hoạt động, chức năng của ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện vay vốn. Hiện nay, hầu hết các chủ doanh nghiệp thường dùng xe ô tô làm tài sản để vay vốn kinh doanh tại ngân hàng bởi ngân hàng chỉ giữ Giấy đăng ký xe mà không giữ phương tiện, doanh nghiệp vẫn có thể dùng phương tiện để thực hiện hoạt động kinh doanh.
“Việc ngân hàng giữ giấy tờ gốc vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo hoạt động, chức năng của ngân hàng. Do đó, nếu trong trường hợp ngân hàng không giữ Giấy đăng ký xe thì để hạn chế rủi ro phía ngân hàng có thể tăng lãi suất vay hoặc ngừng cho vay thế chấp bằng phương tiện giao thông. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các doanh nghiệp và người dân khi thực hiện vay vốn”, ông Hòe nêu.
Theo vị luật sư này,Nghị định 163/2006/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã có mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nên sớm có văn bản thay thế nghị định trên. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an nên có văn bản chỉ đạo liên ngành chấp nhận bản sao Giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện.
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nướcđã có văn bản số 5486/NHNN-PC ngày 12.7.2017 gửi Bộ Tư pháp đề nghị khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định mới theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận (phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015).
“Ngân hàng Nhà nướcnhận thấy việc sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo mục đích kiểm soát của cơ quan công an trong quá trình lưu thông phương tiện. Đồng thời đảm bảo được tính xác thực của tài sản đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng”, văn bản nêu rõ.
Trong thời gian chờ Nghị định mới thay thế, Ngân hàng Nhà nướcđề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng nhận thế chấp khi lưu thông, không xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nướccũng đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thanh tra giao thông cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thôngtrong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP.
Hoài Phong