Tránh hành động quá khích vì ám ảnh bắt cóc trẻ em
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:00, 24/07/2017
Đêm 20.7, trên mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều hình ảnh, video clip ghi lại việc người dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương lao vào đập phá, châm lửa đốt chiếc Toyota Fortuner của hai người đàn ông mà họ nghi ngờ đến địa phương để thôi miên, bắt cóc trẻ em.
Sáng 21.7, ông Vũ Xuân Hào - chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, xác nhận cóviệc người dân đập phá và đốt ôtô đi vào địa bàn xã tối 20.7. Tuy nhiên, ông Hào khẳng định thông tin cho rằng hai người này vào đây để bắt cóc trẻ em là không đúng sự thật, cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ.
Xác minh ban đầu cho thấy hai người đàn ông chạy xe vào thôn Đồng Hởi tìm mua đồ gỗ. Trong lúc đang chạytrên đường làng thì người dân loan tin họ đến để thôi miên, bắt cóc trẻ con nên đã kéo đến vây xe rồi tổ chức đập phá khiến xe hư hỏng nặng.
Nhậntin báo,Công an xã phối hợp Công an huyện Thanh Hà khẩn trương đến hiện trườnggiải quyết và đảmbảo an toàn tính mạng cho hai người đàn ôngtrên ôtô. Tuy nhiên, nhiều người dân quá khích đã cố tình châm lửa đốt khiếnchiếc ôtô bị cháy trơ khung.
Nỗi ám ảnh bắt cóc trẻ em đã trở thành một tâm thế xã hội, gây “sốc phản vệ” bằng những hành động quá khích như đã nêu trên.
Bắt cóc trẻ em xảy ra rất ít nhưng tính chất thương tâm của từng vụ việc cũng như việc đột ngột mất con là việc không thể bù đắp được với bất cứ ai.
Khác với trẻ em đi lạc có thể tìm kiếm bằng thông báo mất tích, mạng xã hội, những người thiện nguyện, hệ thống công an, những vụ bắt cóc đều rất khó tìm kiếm, xử lý. Bọn bắt cóc dù là để trả thù, giải quyết mâu thuẫn hay đòi tiền chuộc đều có ý định sát hại con tin để bịt đầu mối do đó số vụ phá án mà vẫn giữ an toàn cho trẻ là bài toán đau đầu cho nhà chức trách cả nước.
Một điển hình của tin đồn câu view trên mạng
Điều đáng trách là lợi dụng sức lan truyền cực nhanh của mạng xã hội, nhiều người với động cơ riêng hoặc để câu view đã tung hoang tin gây hoang mang xã hội.
Có thể đơn cử như một trang mạng xã hội đăng thông tin,khoảng 17 giờchiều 11.7, ở khu vực TP Buôn Ma Thuột xảy ra một vụ bắt cóc trẻ con.
Đối tượng bắt cóc cháu bé rồi cho vào bao tải. Nghe tiếng khóc to, người nhà nạn nhân chạy theo hô hào thì bị tên bắt cóc dùng dao khống chế. Sau đó tên này bỏ bao tải lại và trốn vào rừng.
Thông tin trên lập tức được nhiều lượt chia sẻ, like (thích), bình luận, phần lớn đều rất hoang mang.
Tuy nhiên, đến khoảng 8 giờ 30 sáng 12.7, tài khoản này phản hồi: “Mình cũng xin lỗi các bạn vì đó chỉ là tin đồn nghe kể lại trên mạng xã hội. Do sự bộpchộp cá nhân nhưng cũng lo cho mọi người lỡ có trường hợp đó xảy ra để đề phòng”.
14 giờ 45 ngày 5.2, nhận được tin báo của người dân tại khu phố 2, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tânxảy ra sự việc người dân đang bắt giữ 2 đối tượng nghi vấn đang bị truy nã về tội bắt cóc trẻ em, Công an thị trấn Tân Minh đã cử cán bộ phối hợp lực lượng bảo vệ dân phố xuống địa bàn để xác minh làm rõ.
Tại đây, ông Nguyễn Thanh Châu (bảo vệ dân phố) và một số người dân đang bắt giữ (còng tay) 2 người là anh Nguyễn Hoài (SN 1991, ngụ xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên) và chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (sinh năm 1987, ngụ Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định).
Lúc này, một số người dân quá khích đã có hành vi chửi bới, hành hung 2 người trên. Thấy tình hình phức tạp và có thể gây nguy hiểm cho 2 người này nên lực lượng chức năng đã đưa họ về trụ sở Công an thị trấn Tân Minh làm việc.
Quá trình xác minh cho thấy việc người dân tố cáo và bắt giữ anh Hoài, chị Mai với lý do bắt cóc trẻ em là không có căn cứ. Đồng thời, Công an thị trấn Tân Minh đã giải thích cho anh Hoài, chị Mai biết việc mình bị bắt giữ là do bị hiểu lầm nên cả hai không có khiếu nại gì.
Tuy nhiên, vụ việc đã bị đẩy đi xa hơn khi một số cá nhân đăng lên mạng xã hội và báo chí đã đăng các hình ảnh, thông tin về vụ việc nêu trên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan công an với các nội dung “Công an bắt đối tượng bắt cóc trẻ em”, “Bảo vệ dân phố và công an bắt người trái pháp luật”, “Bắt nhầm người bắt cóc con nít”… gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của 2 đương sự nói riêng và lực lượng công an nói chung.
Nguy hiểm hơn, có những hoang tin dưới dạng thông báo tìm kiếm bọn bắt cóc có cả hình ảnh thật rất nguy hiểm. Chiều 2.5, thượng tá Nguyễn Hải Đăng, trưởng Công an huyện Con Cuông, Nghệ An, cho biết đơn vị đã triệu tập ông Lê Văn Sơn, 40 tuổi, ngụ ở thị trấn Con Cuông - người đăng thông tin bắt cóc “hụt” trẻ em trên Facebook - để làm rõ.
Bước đầu, tại cơ quan công an, ông Sơn khai thông tin bắt cóc hụt trẻ em được đăng trên mạng xã hội là không chính xác.Ông Sơn bị hai người lừa mua mỹ phẩmnên đã chụp ảnh chiếc xe4 chỗ của hai người nàyrồi đăng lên mạng xã hội kèm thông tin bắt cóc "hụt".
Trước đó, chiều 22.4, trên trang Facebook có tên Nghệ An News đăng tải thông tin về một người đi ôtô bắt cóc trẻ em ở địa bàn huyện Con Cuông, Nghệ An khiến nhiều ngườihoang mang.
“Thông báo đến toàn thể anh em trên cả nước, ai thấy chiếc xe màu này mang biển số 29D-XXX.54, trên xe có 1 nam, 1 nữ. Đây là xe chuyên lừa đảo và bắt cóc trẻ em. Hôm qua vào lúc 13 giờ 30 chúng lừa ở chợ Con Cuông và bắt trật một em nhỏ ngay trước cổng chợ Con Cuông.
Bị phát hiện nên chúng đã chạy mất. Ai biết được xin liên hệ điện thoại: 0972.XXX.076 - 01634.XXX.456hoặc công an gần nhất. Share để cùng đề phòng”, thông tin trên trang Facebook Nghệ An News viết.
Trang Facebook Nghệ An News này lấy thông tin cảnh báo trên từ trang cá nhân của ông Sơn.
Qua xác minh của Công an huyện Con Cuông thì trên địa bàn huyện không xảy ra vụ bắt cóc trẻ em như thông tin trên mạng xã hội trên cảnh báo.
Sau đó, ông Sơn cũng gỡ thông tin bắt cóc “hụt” trẻ em trên trang cá nhân của mình.
Còn nhớ vào những năm đầu 1990 rộ lên việc bắt cóc trẻ sơ sinh để bán và cung cấp cho những người hiếm muộn muốn có con, các nhà báo đã vào cuộc điều tra, đến tận bệnh viện có trẻ sơ sinh bị bọn buôn bán trẻ em bỏ lại từ nhiều nơi đem về, cơ quan điều tra với sự hỗ trợ của các bệnh viện đã phá án, báo chí thông tin đầy đủ làm cho tin đồn hạ nhiệt nhanh chóng, tâm thế xã hội bình ổn trở lại.
Vào những năm 1980, cũng vào thời điểm không có vụ bắt cóc trẻ em nào… tin đồn bắt cóc trẻ em, lúc đó gọi là "mẹ mìn” đã gây chấn động dư luận và đẩy nỗi sợ hãi xã hội lên đỉnh điểm. Sau thời gian điều tra, công an kết luận đây chỉ là tin đồn ác ý do các nhóm chống phá gây ra và báo chí vào cuộc giải thích thì tin đồn và nỗi sợ mới hạ nhiệt. Tin đồn bắt cóc trẻ em lúc đó xuất hiện cùng với tin đồn “ma đi nhờ xe”, “người ăn xin phong cùi cắn người đi đường”, sau đó người dân mới tỉnh ra chỉ là tin đồn ác ý.
Tình hình hiện nay cũng vậy, có vẻ như có một nhóm người nào đó đã làm việc này hoặc tạo ra thông tin ảo bắt cóc trẻ em để gieo rắc sự sợ hãi trong xã hội.
Bảo vệ trẻ em là việc làm thường xuyên và luôn luôn, học tập các kỹ năng bảo vệ trẻ khi đến trường và trên phố là điều cần thiết, nhưng các bậc phụ huynh cũng đừng quá sợ hãi đến mức mất bình tĩnh, hành động quá khích trước những tin đồn ác ý, khiêu khích.
Hoàng Linh