Trung Quốc tập trận quy mô lớn ở Tây Tạng, yêu cầu Ấn Độ rút quân
Quốc tế - Ngày đăng : 21:00, 18/07/2017
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 18.7 tuyên bố rằng quân đội Ấn Độ phải rút lui ngay lập tức khỏi khu vực tranh chấp để tránh "tình hình leo thang".
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi hy vọng Ấn Độ hiểu rõ tình hình và ngay lập tức có hành động thu hồi lực lượng quân đội vượt biên trái phép về bên kia biên giới của họ", ông Lục Khảng tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang leo thang căng thẳng tại biên giới hai nước và vấn đề này có thể biến thành một cuộc xung đột biên giới như cuộc xung đột hồi năm 1962 khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Bắc Kinh và New Delhi chia sẻmột đường biên giới kéo dài tới 3.500 km, vốn có rất nhiều điểm chồng lấn và liên tục có những cuộc đụng độ trong nhiều năm qua.
Tuyên bố của ông Lục đưa ra ngay sau khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa ra thông tin cuối tuần trước quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận cấp lữ đoàn với sự tham gia của xe phóng đạn phản lực, súng máy, súng cối tại Tây Tạng. Cuộc tập trận trên được thực hiện với kế hoạch là quân đội Trung Quốc tấn công vào một khu vực do kẻ thù kiểm soát.
CCTV không hề cho biết thời điểm cũng như vị trí của cuộc tập trận lớn tại Tây Tạng nói trên. Tuy nhiên, Trung Quốc từng nhấn mạnh rằng quân đội Ấn Độ cần phải rút lui để hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tiến tới đàm phán trong hòa bình, giải quyết căng thẳng biên giới lần này.
Ngoài tấn công mặt đất, cuộc tập trận còn thực hành tập trận phòng không với mục tiêu là theo dõi và ngắm bán máy bay của đối phương, theo CCTV.
Căng thẳng diễn ra hồi tháng 6 vừa qua khi Trung Quốc được cho là tiến hành xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, vốn không thuộc lãnh thổ Ấn Độ nhưng có ý nghĩa cực kỳ chiến lược vì đây là điểm có thể tấn công hành lang Siliguri.
Đây là khu vực nhạy cảm đối với Ấn Độ vì hành lang Siliguri là một dải đất hẹp nối các bang miền Đông Bắc với phần còn lại của Ấn Độ. Ngay lập tức Ấn Độ đã nỗ lực củng cố khả năng phòng thủ tại hành lang Siliguri để ngăn cản sự xâm lấn của Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc trả đũa bằng cách đóng một ngọn đèo trong khu vực, vốn được người hành hương Ấn Độ dùng để lên núi Kailash, một thánh địa đối với đạo Hindu và Phật giáo Tây Tạng. Trung Quốc cũng tung hàng loạt "bằng chứng" chứng minh chủ quyền của họ ở vùng cao nguyên Doklam.
Ái Vi (theo ABC News)