Xây cái nhà vệ sinh khó đến thế sao?
Du lịch - Ngày đăng : 08:00, 20/07/2017
Đặc biệt là về nhà vệ sinh. Khách du lịch đi đường xa tới, ghé bất cứ điểm nào, nơi đầu tiên khách vào là nhà vệ sinh. Hỏi thì mấy nhân viên quản lý cho biết “Ở đây chưa có nhà vệ sinh. Nếu cấp bách quá thì các anh chị ra phía rừng đằng kia”. Nghe xong là muốn á khẩu. Vài người chịu không nổi, đành nhắm mắt đưa chân. Còn tôi, thì không thể.
Loa phóng thanh thông báo “Khách lên viếng mộ không mang nước, túi xách và đội mũ. Phải để lại trên xe hoặc tủ gởi hành lý của Ban tổ chức. Trưởng đoàn đến đăng ký để nhập dữ liệu vào máy tính”. Trước đó hướng dẫn viên cho biết là có thể mang hoa từng cành lẻ chứ không thể mang vòng hoa, bó hoa hay trái cây, bánh trái lên mộ. Phải nói là rất nghiêm trang. Nhưng rồi nhiều người thất vọng. Mộ nằm giữa trời, trên đồi cao, khiêm tốn bằng đất có xi măng bao quanh. Tôi cứ tưởng mộ trong nhà kính mới kiểm soát an ninh như vậy. Có người nói là tính cụ giản dị, không muốn xây mộ hoành tráng? Phải nói là khu đất quá đẹp, rất đắc địa về mặt phong thủy lẫn phong cảnh. Các lối đi được rải nhựa, tháp chuông bề thế, khuôn viên được trồng nhiều cây quí…
Dọc đường vào mộ, tôi cứ áy náy với hình ảnh những cụ già lam lũ, đứng bán hoa. Cụ nào cũng run rẩy đưa hai tay ra hiệu cho xe chạy chậm lại mua hoa. Mới nhìn cứ tưởng là chắp tay vái. Tôi nói suy nghĩ của mình, bạn hướng dẫn viên cho hay “Bây giờ là đỡ rồi. Trước kia còn toàn trẻ con năm bảy tuổi, mang trang phục công an bộ đội nhí đứng chào mời bán hoa rất phản cảm”. Còn chuyện nhà vệ sinh, nghe nói trước đấy khách toàn ra ngay bãi dương trước mộ cụ để xả, mùi xú uế nồng nặc, giấy và rác lả tả. Giờ có hàng rào lưới, khách phải đi xa hơn. Khách chê nhà đón tiếp quá tuềnh toàng, hướng dẫn viên bảo “Vậy là tươm tất rồi, năm ngoái còn làm bằng bạt, tạm bợ mấy năm liền”.
Thật khó hiểu. Đại tướngmất đã gần 4 năm (4.10.2013). Khách đến viếng cụ, ngày vắng thì mấy trăm, cuối tuần cả ngàn, cao điểm có ngày năm bảy ngàn. Vậy mà không có lấy một nhà vệ sinh tối thiểu. Khu di tích đang xây dựng, vừa quản lý, bảo vệ , phục vụ và công nhân mấy chục người cũng không có nhà vệ sinh thì lạ quá. Nếu thiếu kinh phí có thể vận động các công ty Lữ hành và cả du khách góp tiền chứ để thế này ai mà dám tới. Nghe đâu có mấy công ty cũng đề nghị vậy nhưng không ai trả lời! Tại các điểm tham quan, nhà vệ sinh phải là hạng mục đầu tiên trong số các dịch vụ đón khách. Không cần đẹp hay lớn lao gì, chỉ cần sạch. Vào những chỗ trang nghiêm thế này mà bụng dạ cứ anh ách, bức xúc vì không có chỗ xả thì tâm trí đâu mà thể hiện lòng thành?
Tôi bước ra chụp tấm panô “Quý khách vui lòng không để lại gì ngoài những bước chân” giữa thoang thoảng mùi khai thối. Khẩu hiệu này thường gặp trong các vườn quốc gia. Ghé viếng mộ đại tướng, tôi cứ ấm ức. Khách ta đã chịu không nổi, nói chi đến khách nước ngoài. Ra về, tôi để lại những tình cảm quí mến và ngưỡng mộ danh tướng quân sự hiện đại của Việt Nam. Tôi thuộc thêm bài thơ ngắn, sâu sắc mà chính xác của Tào Mạt viết tặng sau khi cụ về hưu, sống thiền định và thanh bạch mà hướng dẫn viên đọc trên xe “Võ lược, văn tài, loạn thế sinh. Khai nguyên, định giáp, quán trung tinh. Vi tướng, vi sư, vi nhân giả. Thủ bạc, tâm thanh, lạc thái bình”.
Nhờ báo chí hỏi giúp “Bao giờ khu di tích mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhà vệ sinh?”. Tôi hỏi nhân viên phục vụ tại khu di tích thì họ đều trả lời là “Không biết!”.
Xây cái nhà vệ sinh khó đến thế sao, khi lúc nào người ta cũng mơ tưởng xây những tượng đài hoành tráng?
Trần Trung Dân