TTCK Trung Quốc: Nhà đầu tư sụt giảm niềm tin
Quốc tế - Ngày đăng : 13:05, 19/07/2017
Chỉ số ChiNext của các loại cổ phiếu có vốn nhỏ tại TTCK Trung Quốc đã sụt khoảng 5,1% vào ngày thứ Hai 17.7 vừa qua, và là mức giảm lớn nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây, nâng tổng mức sụt giảm của chỉ số này kể từ đầu năm đến nay lên tới 16%. Đây cũng là chỉ số tồi tệ nhất trong số 96 chỉ số chứng khoán toàn cầu được theo dõi bởi hãng tin Bloomberg kể từ đầu năm 2017.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng này của chỉ số ChiNext nói riêng và một bộ phận các loại cổ phiếu trên TTCK Trung Quốc thời gian vừa qua được xem là do sự gia tăng về chi phí tài chính, vấn đề quản trị doanh nghiệp, áp lực thanh khoản và các quy định giám sát chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý nước này.
Nó càng có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn khi một hội nghị tài chính quan trọng sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Bắc Kinh với sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hội nghị tài chính này được xem là bước chuẩn bị cho hội nghị cấp cao của Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay với trọng tâm là chỉ định người kế nhiệm ông Tập sau 5 năm nữa. Và nhiều khả năng các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ lại xiết chặt hệ thống tài chính như thường lệ nhằm kiểm soát rủi ro như một sự chuẩn bị cho các động thái chính trị này.
Ông Sun Jianbo, chủ tịch của China Vision Capital, cho biết: “Kiểm soát rủi ro dường như là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo cấp cao chứ không phải ưu tiên cho tốc độ tăng trưởng như trước nữa. Hiện tại, cả Chính phủ lẫn các nhà đầu tư đều có xu hướng giảm các hoạt động đầu tư rủi ro.” Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư vào TTCK có tổng giá trị vốn lên tới 7.000 tỉ USD của Trung Quốc.
Điều này được xác nhận trong bài phát biểu mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông cho biết ngân hàng trung ương cần phải đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc kiểm soát rủi ro, bảo vệ và hiện đại hóa hệ thống tài chính của nền kinh tế Trung Quốc.
Việc xiết chặt hệ thống tài chính trong khi nhu cầu về vốn đầu tư tiếp tục có xu hướng gia tăng được dự báo sẽ dẫn đến việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh việc bán ra các cổ phiếu có giá trị đang nắm trong tay. Điều này cũng góp phần khiến một số chỉ số trên TTCK Trung Quốc sụt giảm do tổng cung gia tăng, điển hình như chỉ số Shanghai Composite Index mới đây đã có mức sụt lớn nhất kể từ tháng 12.2016.
Dai Ming, giám đốc công ty quản lý tài sản Hengsheng có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Một mặt, doanh thu đang thấp hơn dự kiến do tăng trưởng kinh tế chậm lại, mặt khác Chính phủ lại đang xiết chặt các chính sách quản lý. Số cổ đông bán ra cổ phiếu đang nắm giữ ngày càng nhiều hơn''.
Tuy nhiên, nguyên nhân được đánh giá là chủ yếu khiến cho các chỉ số của các loại cổ phiếu có vốn nhỏ trên TTCK Trung Quốc giảm thê thảm kể từ đầu năm đến nay, đó là do các nhà đầu tư đã bị hút vào những cổ phiếu lớn. Chỉ số SSE 50 bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc đã tăng tới 15% kể từ đầu năm. Lý do chủ yếu là vì các nhà đầu tư lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra trên TTCK Trung Quốc và họ đặt cược vào sự an toàn của các doanh nghiệp nhà nước vốn chiếm phần lớn trong SSE 50.
Nói cách khác, hầu hết các nhà đầu tư đều đang sụt giảm niềm tin vào TTCK Trung Quốc và họ đổ xô vào những nơi trú ẩn an toàn là các cổ phiếu của những doanh nghiệp nhà nước do sự đảm bảo nhất định từ phía Chính phủ hơn là vì các doanh nghiệp này hoạt động tốt. Nó dẫn đến hậu quả là sự sụt giảm chóng mặt của các loại cổ phiếu nhỏ hơn, mà phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân và đang khiến những doanh nghiệp này gặp khó khăn nghiêm trọng trong nền kinh tế.
Toshihiko Takamoto, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Asset Management One có trụ sở tại Singapore, cho biết chỉ số ChiNext nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên vị trí chót bảng và có thể sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa. Gần như chẳng có gì đảm bảo cho số phận của các cổ phiếu loại nhỏ trên TTCK Trung Quốc trong thời gian tới, và vì thế các nhà đầu tư cũng chẳng có lý do gì để hướng sự quan tâm vào đây, dù nó có thể đem đến những hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)