Một vành đai, một con đường: Những thách thức chưa lời giải
Quốc tế - Ngày đăng : 21:06, 19/07/2017
Hội nghị thượng đỉnh quy tụ 28 nhà lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia trên thế giới tại Bắc Kinh vào tháng năm vừa qua là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về dự án khổng lồ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Quy mô của hội nghị thượng đỉnh, những con số cam kết về chi phí tài chính được công bố khiến tất cả đều nghĩ rằng dự án sẽ định vị Trung Quốc vào vị thế trung tâm của một trật tự mới của thương mại toàn cầu đang ở rất gần việc đi vào hoạt động. Nhưng, một dự án có quy mô chưa từng có như vậy liệu có khả thi?
Những nghi vấn về tính khả thi của “Một vành đai, một con đường” trước hết lại đang đến từ chính những con số cam kết về tài chính được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh này.
Trung Quốc tuyên bố rằng gần 900 tỉ USD giá trị các hợp đồng liên quan đến dự án “Một vành đai, một con đường” đã được tiến hành; ngoài ra ước tính sẽ có khoảng từ 4.000-8.000 tỉ USD được đầu tư vào dự án trong tương lai, tùy thuộc vào tính toán và kế hoạch của các cơ quan thuộc Chính phủ nước này.
Ngoài ra, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đưa ra cam kết nước này sẽ hỗ trợ 78 tỉ USD tại hội nghị cho dự án, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Những thách thức về tính khả thi của “Một vành đai, một con đường” ở đây không phải ở quy mô số tiền mà Trung Quốc cam kết, mà nằm ở những vấn đề trong việc triển khai nó.
Trước hết, vấn đề đầu tiên là loại tiền tệ sẽ được phía Trung Quốc sử dụng trong dự án này sẽ là gì. Việc sử dụng đồng nhân dân tệ như loại tiền tệ chủ chốt trong dự án khổng lồ này có thể sẽ đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng nội tệ mà Chính phủ Trung Quốc vẫn mong muốn. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến Trung Quốc buộc phải chấp nhận việc để đồng nhân dân tệ tự do luân chuyển trong nền kinh tế toàn cầu và cùng với đó là việc tái định giá đồng tiền này theo đúng những quy định quốc tế.
Nói cách khác, nếu sử dụng đồng nhân dân tệ cho dự án khổng lồ này, Trung Quốc không những có thể không còn duy trì được khả năng kiểm soát tỷ giá đồng nội tệ của mình, mà còn có thể khiến khả năng kiểm soát nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Bắc Kinh cũng giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, các quốc gia nằm dọc trên tuyến đường thương mại khổng lồ này cũng sẽ buộc phải có thặng dư thương mại với Trung Quốc để có thể đủ tiền trả nợ bằng đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, theo thống kê của nhà kinh tế Tom Orlik thì Trung Quốc đã đạt mức thặng dư tổng cộng lên tới 250 tỉ USD với các nền kinh tế dự kiến nằm dọc theo tuyến “Một vành đai, một con đường” trong năm 2016.
Sri Lanka và Pakistan gần như sẽ không thể trả các khoản vay khổng lồ bằng đồng nhân dân tệ khi mà các nước này đang chịu mức thâm hụt thương mại lần lượt là 2 tỉ USD và 9 tỉ USD với Trung Quốc. Điều tương tự cũng diễn ra với các nền kinh tế khác trong dự án.
Thách thức này không hề dễ giải quyết kể cả khi Trung Quốc thay thế đồng nhân dân tệ bằng đồng USD như đồng tiền chính được sử dụng trong dự án.
Trước hết là việc Trung Quốc sẽ lấy đâu ra hàng ngàn tỉ USD để ném vào dự án này như đã cam kết. Trừ khi Trung Quốc tiến hành các đợt chào bán trái phiếu của mình bằng đồng USD để tài trợ cho dự án này, còn nếu không nước này sẽ phải lấy từ quỹ dự trữ ngoại tệ của mình hiện cũng đang không còn dư dật như trước, theo thống kê còn khoảng 3.000 tỉ USD. Con số này có vẻ khá lớn, nhưng thực tế Bắc Kinh gần như không thể động đến quỹ dự trữ ngoại tệ để sử dụng cho dự án quy mô này của mình: số thanh khoản chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong số 3.000 tỉ USD này.
Theo ước tính, Trung Quốc cần khoảng 900 tỉ USD để trả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn, từ 400 đến 800 tỉ USD để nhập khẩu trong vòng 3-6 tháng, chưa kể hàng trăm tỉ USD để hỗ trợ tỷ giá khi cần thiết. Tất cả số tiền này đều được ứng trước từ quỹ dự trữ ngoại tệ, và vì thế Trung Quốc sẽ gần như không thể sử dụng vào việc tài trợ cho dự án “Một vành đai, một con đường” của mình.
Một thách thức nan giải khác, đó là nguy cơ tăng trưởng các khoản cho vay nước ngoài khó đòi của chính Trung Quốc. Theo đánh giá của Ngân hàng Natixis SA (Pháp), để tài trợ số tiền khoảng 5.000 tỉ USD cho các dự án trong “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc sẽ phải nâng các khoản cho vay ra nước ngoài của mình thêm khoảng 50%. Điều này sẽ tàn phá hệ thống tín dụng của chính Trung Quốc, và tăng các khoản cho vay nước ngoài khó đòi từ mức 12% GDP hiện nay lên đến hơn 50% GDP – một tỷ lệ nguy hiểm đáng báo động.
Một thực tế là không phải tất cả các quốc gia nằm trong dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đều có tình trạng tài chính tốt và có thói quen thanh toán nợ nhanh chóng và sòng phẳng, và điều này sẽ gây ra những khó khăn lớn cho chính Trung Quốc nếu nước này thực hiện đúng những cam kết cho vay về tài chính của mình.
Dĩ nhiên, những thách thức nan giải này không phải là không có cách giải quyết, nhưng thực hiện nó cũng vô cùng khó khăn. Trước hết, Trung Quốc có thể sử dụng đồng nhân dân tệ cho dự án và coi đó như một cơ hội để quốc tế hóa đồng nội tệ của mình. Nhưng, gần như chắc chắn Bắc Kinh không dám thực hiện điều này trong tương lai gần khi mà nguy cơ về hệ thống tài chính vẫn đang rất lớn. Mới đây Bắc Kinh đã cấm một loạt các tập đoàn lớn của các tỷ phú giàu nhất nước này giảm mạnh đầu tư ra nước ngoài để hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ vốn đang trượt dốc.
Một giải pháp khác là Trung Quốc có thể lựa chọn một số quốc gia khác hoặc các tổ chức tài chính quốc tế chia sẻ gánh nặng tài trợ cho dự án.
Trung Quốc bề ngoài ủng hộ điều này, thậm chí nhắc đến việc sẵn sàng hoan nghênh sự tham gia của Nhật Bản. Tuy nhiên, khả năng này là gần như không thể. Trung Quốc gần như không hề có kinh nghiệm trong việc đồng tài trợ cho các dự án quốc tế trước đây, điển hình là việc Bắc Kinh từ chối tham gia cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Khả năng kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu chia sẻ gánh nặng tài chính cũng rất thấp, do những hoài nghi về việc thiếu những cam kết minh bạch quản trị và chống tham nhũng của phía Trung Quốc.
Tất cả những điều này dẫn đến một thực tế không mấy sáng sủa: số tiền thực được Trung Quốc đầu tư vào dự án sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số mà nước này quảng cáo, và sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự định. Tham vọng và tầm nhìn của Tập Cận Bình qua dự án này có thể là rất lớn, nhưng khả năng thực hiện trong thực tế của Trung Quốc thì lại đang vô cùng hạn hẹp.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)