Bộ Tư pháp: ‘Xử phạt chủ xe trả góp ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế’

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:02, 20/07/2017

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng nếu tiếp tục xử phạt người tham gia giao thông vì không có giấy tờ gốc thì sẽ tác động tiêu cực đến tình hình tài chính, kinh tế khi người dân sẽ không thực hiện việc vay vốn mua xe nữa.

Tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý 2/2017 diễn ra sáng 20.7, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp cho biết đã nắm được sự việc các chủ xe trả góp bị CSGT xử phạt vì không có giấy đăng ký xe bản chính. Theo đó, Bộ đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng văn bản tháo gỡ vướng mắc, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nêu rõ, thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhận thế chấp các phương tiện giao thông đối với các khoản vay đều giữ bản chính của giấy đăng ký xe để đảm bảo an toàn, tránh phát sinh nợ xấu. Hiện nay có khoảng 1,3 triệu các phương tiện giao thông đang thế chấp tại ngân hàng.

“Thực tế là khi tham gia giao thông, những người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao của đăng ký xe và có chứng nhận của tổ chức tín dụng vẫn bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều người dân đang có ý kiến về điều này và nhiều người đã dừng việc mua trả góp phương tiện”, ông Sơn nói.

Theo phân tích của ông Sơn, quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP), Công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và Công văn Cục CSGT có sự mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Điều này gây khó khăn cho các chủ phương tiện khi tham gia giao thông vì Giấy đăng ký xe thì ngân hàng giữ theo quy định củaBộ luật Dân sự2015, mà không có giấy đăng ký xe bản chính thì người điều khiển phương tiện bị xử phạt vi phạm hành chính.

“Do đó, thời gian vừa qua, CSGT thực hiện việc xử phạt các chủ phương tiện là có cơ sở pháp lý. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng thực hiện giữ giấy tờ gốc của phương tiện là xuất phát từ thực tiễn, bảo đảm an toàn khoản vay và tránh nợ xấu”, ông Sơn nói.

Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý 2/2017

Theo nhận định của vị này, hệ thống pháp luật hiện nay là chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu. “Nếu tiếp tục xử phạt người tham gia giao thông thì chúng tôi cho rằng sẽ tác động tiêu cực đến tình hình tài chính, kinh tế, người dân sẽ không thực hiện việc vay vốn nữa".

Ông Sơn cho rằng, chủ trương của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, nếu tiêu dùng tăng lên thì kinh tế cũng phát triển. Do đó, Bộ Tư pháp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng, do quy định pháp luật không thống nhất và một phần chưa theo kịp với thực tiễn đời sống xã hội, do đó cần thống nhất quy định trong trường hợp thế chấp bằng phương tiện giao thông thì ngân hàng có được giữ bản chính hay không, phải minh thị rõ các bên có được thỏa thuận về việc này hay không?

“Về phía ngân hàng, có lẽ họ vẫn muốn quy định theo hướng được giữ bản chính giấy tờ của xe thế chấp. Tôi cho rằng ngân hàng giữ bản chính giấy tờ của tài sản thế chấp cũng là hợp lý để hạn chế rủi ro”, ông Vũ nói.

Do đó, vị này cho rằngcần phải sửa đổi đối với nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông cho phù hợp. Bổ sung rõ trường hợp không mang bản chính giấy tờ xe do xe bị thế chấp thì vẫn được chấp nhận, không bị xử phạt. Tất nhiên phải có chứng cứ chứng minh xe đang bị thế chấp, như bản sao có chứng thực, giấy xác nhận của ngân hàng về việc nhận thế chấp và giữ bản chính giấy tờ xe…

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, tạm thời nên dừng việc xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy tờ gốc. Về lâu dài, phải tính đến việc sửa luật theo hai hướng: cho phép ngân hàng giữ bản chính; hoặc có thể tách ra hai loại giấy là Giấy đăng ký sở hữu do ngân hàng giữvà Giấy lưu hành do khách hàng giữ và xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc, Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cho thấy bên cho vay (ngân hàng) nên được phép nắm giữ giấy tờ gốc vì nó đi kèm với tài sản thế chấp. Cơ quan công an có thể chấp nhận bản sao công chứng và có xác nhận từ phía ngân hàng.

“Nghị định không quy định cụ thể cần phải có giấy tờ gốc hay bản sao công chứng, đấy là một hướng để có thể tháo gỡ, có nghĩa là ngân hàng và công an cần thống nhất với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho bên vay là người tiêu dùng”, ông Lực nói.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) quy định bên thế chấp phải giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp là ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà băng có thể ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân sẽ không còn cơ hội vay vốn; ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, NHNN cho rằng quy định bên thế chấp phải có bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông đã không còn phù hợp.

Do đó, NHNN đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163 theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ. Đồng thời, trong thời gian chờ, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông.

Hoài Phong

Trí Lâm