Cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm để 'hút' thí sinh
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:56, 21/07/2017
Hôm nay, 21.7 là hạn cuối cùng để thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học qua hệ thống trực tuyến, với hơn 100.000 lượt thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng liên tục, các trường cao đẳng đang hy vọng 'vớt' được những thí sinh khác qua các lần xét tuyển không thành công hoặc qua học bạ. Để tuyển được thí sinh trong năm 2017, khi điểm số của học sinh khá cao và các thí sinh đều được đăng ký nhiều nguyện vọng, các trường CĐ, trường nghề đã có những chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết trường sẽ tuyển sinh những thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp THCS (theo từng ngành và chỉ tiêu cụ thể). Ngoài ra, nhà trường còn cam kết đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Theo đó, bắt đầu từ năm 2017, trường chuyển đổi sang giáo dục nghề nghiệp, nên đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo với nhiều cải tiến, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và xu thế phát triển của khoa học công nghệ. Với tỉ lệ 70 -30 (70% thời lượng dành cho thực hành, 30% lý thuyết), các chương trình đào tạo sẽ giúp người học có kỹ năng nghề sớm và thành thạo, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế sau khi tốt nghiệp.
Không dừng lại ở đó, nhiều trường CĐ, trường nghề cũng đưa ra chính sách ưu đãi với người đăng ký học. Ví dụ các sinh viên khi nhập học đều được hưởng các chế độ chính sách đối với HSSV học hệ dài hạn, chính quy; được xét, cấp học bổng theo quy định của Nhà nước.
Đây là năm đầu tiên trường CĐ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, không có thông tin thí sinh đăng ký trước nên đến giờ này các trường CĐ đang loay hoay tìm thí sinh, chính vì thế các trường đã có những chính sách ưu đãi riêng dành cho các sinh viên nhập học tại trường mình một cách tốt nhất.
PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - cho biết: Từ năm nay, về mặt quản lý Nhà nước, các trường cao đẳng, trung cấp nghề chuyển sang Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp phụ trách. Tổng cục đã có nhiều hỗ trợ về chuyên môn cho các trường, nhất là khâu tư vấn xét tuyển. Trước hết, Tổng cục đã quy định trong các văn bản hướng dẫn và phổ biến các kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Chúng tôi phân cấp triệt để cho các trường toàn quyền trong công tác tuyển sinh. Theo đó, các trường có thể tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: Có thể xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa hai hình thức này với nhau, tùy theo nhu cầu của từng ngành, từng nghề, từng trường; mục đích là để phù hợp với điều kiện chọn lựa của thí sinh và đáp ứng tốt nhất yêu cầu về trình độ, năng lực, điều kiện học tập của các em" - PGS.TS Cao Văn Sâm cho hay.
Đưa ra các ý kiến của mình, đa số các trường CĐ cho biết: Các sinh viên đã học tại các trường CĐ, Trung cấp khi ra trường đều có việc làm ổn định, thậm chí với mức lương khá cao. Tuy nhiên, với những định kiến vẫn còn tồn tại thì việc các thí sinh đăng ký học CĐ hay trung cấp nghề thì lại rất ít, tạo ra việc thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội. Thậm chí, có nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp nhưng các trường ĐH vẫn "hút" thí sinh nhiều hơn so với các trường CĐ, Trung cấp.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 cho biết kế hoạch tuyển sinh năm 2017 của trường chính là việc đào tạo chất lượng sinh viên tiêu chuẩn quốc tế. Ngay từ khi tư vấn cho học sinh, phụ huynh điều này đã được đưa ra để người họcquyết định. Đồng thời việc đào tạo nghề nghiệp của trường luôn gắn với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra và tăng thêm nguồn lực hỗ trợ sinh viên học tập, hứng thú theo đuổi nghề nghiệp. Nhà trường hỗ trợ 100% học phí đối với sinh viên vào học và cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm. Đây cũng là một trong những “chiêu” thu hút thí sinh vào học tại các trường CĐ, Trung cấp nghề năm nay.
Theo Tổng Cục dạy nghề, năm 2017, người học nghề có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và tìm kiếm việc làm sau quá trình học tập. Chính vì vậy, các trường nghề cũng tăng cường tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao. Đặc biệt, năm 2017, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ tuyển tới 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người.
Điều này đã chứng tỏ một điều xã hội cũng như nhà trường đã phối hợp đảm bảo người học nghề ra trường có việc làm, các cơ sở đào tạo nghề phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động nhằm hạn chế tình trạng lãng phí cho gia đình, xã hội, thất nghiệp ngày càng tăng trong xã hội hiện đại.
Dạ Thảo