Nhiều DNNN nợ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:56, 21/07/2017
Đó là thông tin được đại diện Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 diễn ra chiều 21.7.
Cụ thể, đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết năm 2016, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính của 170 doanh nghiệp thuộc 28 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.
Kết quả cho thấy hầu hết các đơn vị đều có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng, nợ phải thu khó đòi, xóa nợ chưa đủ điều kiện, đơn cử như:Công ty Cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines, TCT Xăng dầu Quân đội...
Đáng chú ý, KTNN đặc biệt cho biết tình trạng doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao như: Vicem Tam Điệp có số nợ cao 57 lần vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH MTV 319.5 cao gấp 38,54 lần; Công ty TNHH MTV 319.2 cao gấp 26,27 lần; Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc cao gấp 26,48 lần; Công ty TNHH MTV 319.1 cao gấp 15,08 lần; Công ty TNHH MTV 319 Miền Trung cao gấp14,08 lần;TCT Xăng dầu Quân đội - BQP cao gấp 17,13 lần...
Hầu hết các doanh nghiệp được kiểm toán đều có sai sót trong việc hạch toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu ngân sách được 6.241,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán cũng xác nhận còn nhiều hạn chế, sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu Chính phủ... gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm. Trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày.
Kiểm toán cũng cho thấy việc sử dụng vốn ODA còn lãng phí, thiếu hiệu quả; không phân bổ hết vốn trái phiếu chính phủ đã huy động trong năm (dư 4.830 tỉ đồng)...
Đặc biệt, qua kiểm toán Hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Hợp phần BRT) cho thấy việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến khi đưa hệ thống BRT vào vận hành cuối năm 2016 không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT và khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ sẽ gia tăng tình trạng ùn tắc.
Kết quả kiểm toán năm 2016 cũng chỉ ra ngoài các kiến nghị xử lý tài chính thì vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước.
Dođó, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản (4 nghị định, 20 thông tư, 9 nghị quyết, 28 quyết định, 89 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuyết Nhung