Chuyển cơ quan điều tra xử lý sai phạm tại dự án phân bón DAP số 2
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:35, 23/07/2017
Cụ thể, báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cho biết dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong quá trình thực hiện đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nên qua kiểm toán đã chuyền hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Chỉ ra những sai phạm cụ thể, KTNN cho biết dự án này được phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác là 70,2 tỉ đồng; trong quá trình đàm phán giảm giá dự thầu Gói thầu số 3 EPC1 là 38,48 triệu USD. Chủ đầu tư đã hạ thấp yêu cầu kỹ thuật, xuất xứ, chất lượng một số thiết bị, chưa tuân thủ triệt để thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu; thực hiện một số gói thầu không cần thiết làm lãng phí chi phí đầu tư 9,3 tỉ đồng...
Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư, nghiệm thu, thanh toán tồn tại nhiều sai phạm nên KTNN đã kiến nghị giảm thanh toán khiquyết toán34,5 tỉ đồng,xử lý khác 795 tỉ đồng.
Đối với dự án này, KTNN đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Vinachem yêu cầu tập thể, cá nhân kiểm điểm trong việc để xảy ra nhiều sai sót trong quá trình đầu tư dự án, tuân thủ việc bảo vệ môi trường theo báo cáo tác động môi trường được duyệt.
Bên cạnh đó, Vinacham cũng cần phải kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân thua lỗ của Công ty cổ phần DAP số 2 - chủ đầu tư dự án này báo cáo Bộ Công Thương để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thất thoát vốn của Nhà nước.
Đối với Vinachem, KTNN yêu cầu chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với công tác chuẩn bị đầu tư; lập thẩm định, phê duyệt dự án; trách nhiệm kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện dự án còn để ra xảy ra những sai sót, tồn tại.
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2có tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu là khoảng 4.400 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên là 5.170 tỉ đồng. Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) do Công ty cổ phầnDAP số 2 (thuộc Vinachem) làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, tại báo cáo kết quả kiểm toán này, KTNN cũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ lớn như: Vicem (Vicem Tam Điệp lỗ lỹ kế đến hết năm 2015 là 1.156 tỉ đồng, Vicem Hải Phòng là 359 tỉ đồng); VRG (Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su lỗ 317,9 tỉ đồng)...
Bên cạnh đó còn có những doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể như: Samco (Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn); UDIC (Công ty Liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh dừng hoạt động từ năm 2009).
Tuyết Nhung